Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt mức kỷ lục từ trước đến nay ​

Năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký có thể đạt mức 35 tỷ USD – cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đặc biệt, vốn thực hiện dự ước khoảng 17 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt mức kỷ lục từ trước đến nay ​

Mới đây, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết, trong 2 quý cuối năm 2017, dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng bật tăng mạnh và cả năm nay có thể đạt mức 35 tỷ USD vốn đăng ký – cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đặc biệt, vốn thực hiện dự ước khoảng 17 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Phát biểu sau đó, GS -TSKH Nguyễn Mại, chuyên gia kỳ cựu về đầu tư nước ngoài, nhấn mạnh, ngay cả vốn thực hiện vẫn chưa thể hiện hoàn toàn đầy đủ, toàn diện ý nghĩa của đầu tư nước ngoài. Chất lượng vốn mới là quan trọng nhất và một trong những yếu tố thể hiện chất lượng vốn chính là tác động lan toả đến nền kinh tế. Không nghi ngờ gì nữa, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế trên nhiều phương diện như công nghệ, phương thức kinh doanh, phương thức quản lý, nguồn nhân lực… và không thể không kể đến công nghiệp hỗ trợ.

Dẫn chứng một mô hình thành công là Tập đoàn Samsung, GS Nguyễn Mại cho hay, sau một thời gian gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện, doanh nghiệp này đã thay đổi cách làm. Họ không tổ chức các hội thảo chung chung nữa, mà tự mình tìm hiểu, lựa chọn các nhà sản xuất trong nước có tiềm năng, cử chuyên gia đến làm việc trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam mà không nhận lương.

Chuyên gia của Samsung tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp, đầu tư đúng công nghệ mà Samsung yêu cầu, giảm tiêu hao năng lượng, giảm hàng tồn kho, chi phí phân phối…
Chỉ sau 3 tháng, 9 doanh nghiệp được lựa chọn đã trở thành nhà cung cấp cấp 1 của Samsung. "Cách đây một tuần, Samsung cho biết họ đã có 29 nhà cung cấp nội địa cấp 1" - ông Nguyễn Mại cung cấp thông tin.

Khuyến nghị của chuyên gia kỳ cựu về đầu tư nước ngoài là để phát triển công nghệ hỗ trợ, cần có nỗ lực từ cả hai phía: doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp trong nước cần tự tin, chủ động tiếp cận doanh nghiệp FDI; đầu tư, đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tìm kiếm phân khúc phù hợp để tham gia vào chuỗi cung ứng.

Ngược lại, doanh nghiệp FDI cần có chiến lược hợp tác, kết nối với doanh nghiệp Việt Nam, chủ động giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, đáp ứng đúng nhu cầu của mình và tìm ra mô hình hợp tác thích ứng với từng sản phẩm.

Theo Sài Gòn Giải phóng

Có thể bạn quan tâm