Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) hôm nay thông báo sẽ giảm lãi suất cho các doanh nghiệp SME hoạt động tốt trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nói riêng và tăng trưởng của nền kinh tế nói chung trong năm 2018.
Mức giảm lãi suất từ 0,5%-1%, áp dụng từ ngày 11/1/2018 cho tất cả các khách hàng mới hoạt động tốt trong những lĩnh vực được ưu tiên.
Quyết định giảm lãi suất của VPBank được đưa ra sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các ngân hàng xem xét khả năng tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp SME dễ tiếp cân nguồn vốn vay từ ngân hàng hơn nữa trong năm 2018, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, vào tháng 7/2017, VPBank cũng đã giảm từ 0,5%-1% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các doanh nghiệp SME. Với quyết định giảm lãi suất lần này, VPBank tiếp tục thể hiện sự hỗ trợ tích cực nhất đối với khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không chỉ ở những sản phẩm tài chính đa dạng, phù hợp với nhu cầu khách hàng mà còn cả ở lãi suất nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vốn đầu vào.
Trong những năm gần đây, doanh nghiệp vừa và nhỏ được VPBank xác định là một trong những phân khúc khách hàng chiến lược mà Ngân hàng hướng tới phục vụ, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ. Bên cạnh những sản phẩm cho vay có tài sản bảo đảm thông thường, VPBank đã đẩy mạnh các sản phẩm cho vay tín chấp, tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp SME tiếp cận với nguồn vốn từ Ngân hàng khi không có tài sản bảo đảm.
Nhờ đa dạng hóa các loại hình sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng, doanh thu trong phân khúc khách hàng SME của VPBank đã tăng trưởng 30% trong năm 2017. Đặc biệt hơn, số lượng khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ tăng thêm khoảng 1.000 mỗi tháng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Tổng số lượng khách hàng doanh nghiệp SME VPBank đang phục vụ đã lên tới hơn 63.000 doanh nghiệp. Để mở rộng độ bao phủ thị trường, trong năm 2017 VPBank cũng đã mở thêm 6 Trung tâm SME và Hub bán trực tiếp tại các thành phố lớn (Hà Nội, Tp.HCM) cũng như các tỉnh thành như Móng Cái, Cà Mau.
>> Cuộc chạy đua của Vietcombank và VPBank