Văn Phú -Invest huy động vốn để đầu tư các dự án bất động sản
Ngày 17/05, Văn Phú - Invest đã huy động thành công 800 tỷ đồng thông qua đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Kỳ hạn trái phiếu là 32 tháng với lãi suất trung bình hơn 12%/ năm, kỳ tính lãi suất 6 tháng/lần. Đây là loại trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu.
Năm 2018, Văn Phú - Invest khởi công hàng loạt dự án lớn tại Hà Nội như Grandeur Palace - Giảng Võ, The Terra - Hào Nam, The Terra An Hưng sẽ bắt đầu bàn giao trong năm 2019. Nguồn thu từ các dự án sẽ tăng dòng tiền và tăng nhanh khả năng quay vòng vốn đầu tư vào các dự án mới, giúp hiệu quả đầu tư cao hơn. Trong đó, các sản phẩm shophouse và biệt thự sẽ mang lại nguồn doanh thu và lợi nhuận lớn cho công ty. Việc tiếp tục huy động vốn thành công thể hiện năng lực tài chính ổn định và nguồn vốn triển khai dự án mới của công ty đang dồi dào.
Theo Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất Động Sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), cho biết để thay thế nguồn vốn ngân hàng, các doanh nghiệp có thể thực hiện phát hành cổ phiếu, trái phiếu, huy động vốn từ bên ngoài. Kênh huy động vốn đầu tư phát triển dự án qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khẳng định ưu thế so với nhiều kênh huy động vốn khác như tín dụng hay phát hành cổ phiếu.
Đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu thành công như CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt phát hành 2.000 trái phiếu kỳ hạn 1 năm với lãi suất 14,45%/năm, với tổng giá trị phát hành 200 tỷ đồng. Ngày 14/5, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết 15 triệu đơn vị trái phiếu của CTCP Vinpearl, tổng giá trị đăng ký là 1.500 tỷ đồng hay Khang Điền (KDH) cũng dự kiến phát hành 450 tỷ đồng trái phiếu trong quý II với thời hạn 2 năm, lãi suất cố định 12%/năm.
Để tạo nguồn lực đa dạng cho thị trường BĐS, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu một số định chế tài chính như Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư BĐS, Quỹ tín thác BĐS... để huy động các nguồn lực cho phát triển thị trường BĐS một cách bền vững, nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng.