Vua cá tra Hùng Vương đang có dấu hiệu sa sút, giá cổ phiếu HVG giảm mạnh
Công ty Hùng Vương vừa có báo cáo giải trình về chênh lệch kiểm toán trong báo cáo tài chính niên độ 2015-2016, theo đó, nhiều chỉnh tiêu đã bị giảm mạnh dẫn tới thua lỗ sâu hơn.
Cụ thể, tại BCTC riêng lẻ năm 2016, doanh thu bán hàng sau kiểm toán số liệu bị giảm mạnh 409,3 tỷ đồng, xuống còn 8.721,7 tỷ đồng. Lý do doanh thu từ bán bã đậu nành ghi sai niên độ và 181 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng ao cá (đến ngày 30/9/2016 Công ty chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan đến việc chuyển nhượng ao cá nên chưa thể ghi nhận doanh thu).
Doanh thu hoạt động tài chính cũng “bốc hơi” 37,2 tỷ đồng, chỉ còn 192 tỷ đồng do điều chỉnh giảm cổ tức được chia từ Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng.
Lợi nhuận gộp về bán hàng giảm rất mạnh từ mức 604 tỷ đồng xuống còn 382,27 tỷ đồng (giảm 221,7 tỷ đồng).
Chi phí quản lý doanh nghiệp bất ngờ tăng gấp đôi lên mức 99,78 tỷ đồng do phải trích lập dự phòng bổ sung phải thu khó đòi.
Do đó, lợi nhuận kế toán trước thuế bị lỗ nặng lên tới gần 55,8 tỷ đồng sau kiểm toán so với số lãi 251,4 tỷ đồng mà Hùng Vương công bố trước đó.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh riêng lẻ |
Về kết quả kinh doanh hợp nhất, Hùng Vương cũng phải điều chỉnh nhiều chỉ tiêu chính khiến cho lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ chuyển từ lãi 308,6 tỷ đồng sang lỗ 49 tỷ đồng.
Nguyên nhân do các điều chỉnh sau:
+ Doanh thu giảm 2.037 tỷ đồng xuống còn 18.026 tỷ đồng do số liệu BCTC công ty mẹ điều chỉnh giảm 409 tỷ đồng; Giá vốn hàng bán giảm 1.815 tỷ đồng do giảm số liệu 187 tỷ đồng…
+ Lợi nhuận từ các công ty liên kết, liên doanh giảm 64.5 tỷ đồng do loại trừ lãi phát sinh từ các giao dịch nội bộ chưa được thực hiện phù hợp.
+ Chi phí quản lý điều chỉnh tăng 52 tỷ do phải trích lập dự phòng bổ sung
+ Kiểm toán yêu cầu Hùng Vương phải loại trừ doanh thu, chi phí phát sinh từ các giao dịch nội bộ với số tiền lần lượt là 1.627 tỷ đồng và 1.627 tỷ đồng chưa được phản ánh phù hợp trước đó.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất |
Công ty còn phải điều chỉnh các số liệu như: phải thu ngắn hạn khách hàng giảm hơn 451 tỷ đồng, điều chỉnh khoản phải thu liên quan đến nghiệp vụ bán bã đậu nành và sang nhượng quyền sử dụng ao lần lượt là 228 tỷ và 181 tỷ đồng, tăng khoản phải thu ngắn hạn và phải trả ngắn hạn với cùng số tiền hơn 112 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng 177 tỷ đồng...
Mới đây, Hùng Vương cũng khiến cổ đông bị sốc khi tiếp tục kinh doanh kém hiệu quả trong quý 1/2017. Theo đó, lợi nhuận quý 1 giảm mạnh 76% chỉ còn vỏn vẹn 9,1 tỷ đồng cho niên độ tài chính tính từ ngày 1/10/2016 đến 30/9/2017.
Trong kỳ doanh thu thuần tăng gấp đôi lên 3.060 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận gộp lại giảm một nửa chỉ còn 17,8 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giá vốn tăng mạnh 58%, chi phí tài chính tăng 36%...
Ngày 1/3/2017, Sở GDCK TPHCM cũng đã ra văn bản nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường đối với CTCP Hùng Vương do công ty vi phạm từ 3 lần trở lên trong vòng một năm quy định về công bố thông tin.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiéu HVG liên tục “bốc hơi” rất mạnh do những thông tin tiêu cực về hoạt động kinh doanh của Vua cá tra. Theo đó, giá đóng cửa HVG vào phiên 3/3/2017 giảm chỉ còn 6.300 đồng/CP, tiếp tục là cổ phiếu giá dưới mệnh giá. HVG đã giảm tới 32,3% thị giá so với giá cao nhất (9.400 đồng/CP) ngày 7/12/2016.
Làn sóng tháo chạy khỏi HVG cũng hình thành rõ nét, trong đó, trước những thông tin dự báo về khả năng lỗ lớn của HVG, khối lượng giao dịch phiên 7/2/2016 lên tới 8,46 triệu đơn vị.
Thu Hằng
>> CEO Group lại trình tăng vốn thêm 515 tỷ đồng, cổ tức dự kiến 10%