Wagashi - Mỹ thực nhất định phải thưởng thức khi đến Nhật

Là món ăn được trình bày tại các buổi tiệc trà của Nhật, Wagashi không chỉ thấm nhuần tinh thần trà đạo – hài hòa với tự nhiên mà còn rất giàu tính nghệ thuật. Món ăn này từ lâu đã trở thành nghệ thuật ẩm thực đặc trưng và đáng tự hào của người Nhật.

Mỹ thực đầy tinh tế của Nhật Bản

Wagashi là một loại bánh ngọt truyền thống của Nhật Bản, thường được phục vụ cùng với trà. Tên gọi “Wagashi” để chỉ các loại đồ ngọt được trình bày đẹp mắt, mang tính thẩm mĩ cao chứ không đơn thuần là ngon miệng. Người dân xứ Phù Tang vốn có quan niệm mĩ học rất sâu sắc, do đó cái đẹp trở thành chuẩn mực hàng đầu trong từng lĩnh vực của đời sống.

Món bánh Wagashi thưởng thức cùng trà đạo đặc trưng của xứ sở Hoa anh đào.

Wagashi xuất hiện ở Nhật từ thời Yayoi (300 TCN – 300), với mục đích ban đầu là món ăn tế thần. Đến thời Edo (1603-1867) thì Wagashi mới phát triển thành nghệ thuật đỉnh cao.Vào thời kỳ này, nghề làm wagashi, các cửa hiệu làm bánh bắt đầu phổ biến khắp nước Nhật và các khu vực lân cận. Mục đích sử dụng bánh cũng đa dạng hơn. Wagashi bắt đầu xuất hiện như món tráng miệng sau những buổi tiệc trà thanh đạm, góp mặt vào bữa ăn của quý tộc, được dùng như quà biếu trong các dịp trọng đại… và trở thành bánh của giới thượng lưu Nhật Bản.

Bánh Wagashi được dùng trước khi thưởng thức Matcha vì vị ngọt của bánh sẽ khơi dậy vị ngon và chiều sâu của trà.

Wagashi có tên Tiếng Hán là “Hòa Quả Tử”, tức là vẻ đẹp của tự nhiên. Do đó mỗi chiếc Wagashi đều được ví như một tiểu vũ trụ tổng hòa những yếu tố tươi đẹp trong đất trời: Bột bánh thường được nhuộm màu theo các mùa trong năm, hình dạng bánh đa dạng tương ứng với các hình ảnh thiên nhiên (hoa anh đào, hoa mơ, lá phong, bông tuyết,…) và đặc biệt là nhân bánh từ đậu đỏ tượng trưng cho con người đứng ở trung tâm. Với ý nghĩa triết học phương Đông sâu sắc ẩn trong từng món ăn nhỏ bé, Wagashi trở thành một nghệ thuật ẩm thực đặc trưng và đáng tự hào của người Nhật.

Chiếc bánh đẹp như một tuyệt tác nghệ thuật.

Nếu xét về phương diện của món bánh ngọt thì Wagashi đã vượt qua mọi khuôn khổ của một thực phẩm thông thường, nó không chỉ làm cho thực khách cảm nhận được vị ngon mà còn kích thích cả khứu giác, thị giác và xúc giác. Bánh ngọt Nhật Bản Wagashi sau khi qua bàn tay tuyệt tác tài hoa của các nghệ nhân làm bánh lành nghề sẽ cho ra hàng trăm mẫu bánh có hình dạng và vẻ đẹp phong phú từ hoa lá, họa tiết cho đến các biểu tượng manga, nhân vật hoạt hình được yêu thích.

Wagashi là bánh của giới thượng lưu Nhật Bản.

Ngày nay, Wagashi vẫn là một trong những loại bánh đẳng cấp nhất, được dùng trong các bữa tiệc sang trọng, các buổi tiệc trà và phần lớn để dùng làm quà biếu trong dịp trọng đại. Giá của mỗi chiếc Wagashi rất đắt. Một hộp bánh nhỏ tầm 6 chiếc có giá khoảng 3.000 yên (gần 600.000 đồng). Nếu bạn là người yêu thích những chiếc bánh Wagashi, đừng quên ghé thăm những tiệm bánh lâu đời này nếu có dịp đến Tokyo nhé.

Higashiya

Khi nhà thiết kế Shinichiro Ogata lần đầu tiên khai trương Higashiya ở Nakameguro vào năm 2000, cửa hàng đã gây ấn tượng với không gian tối giản nhưng ấm áp của gỗ tối màu và tủ kính như là một sự đổi mới của thiết kế đương đại, kết hợp với Wagashi truyền thống và trà Nhật Bản. Sau đó, cửa hàng đã được chuyển đi và chia thành ba chuỗi cửa hàng là Higashiya Ginza, Higashiya Man và Higashiya Man Marunouchi. Mỗi chuỗi cửa hàng mang đến một trải nghiệm khác nhau trong khi vẫn giữ nguyên nét thẩm mỹ sang trọng.

Một cửa hàng Higashiya ở Tokyo. Ảnh: higashiya.com

Wagashi Manju hình tròn, thanh Monaka dài nhỏ hay những lát Yokan sáng lấp lánh nhiều màu sắc là sự kết hợp hoàn hảo với không gian trang trí của cửa hàng. Bộ sưu tập Hitokuchigashi gồm 9 loại Manju, mỗi loại là một loại có hương vị khác nhau mang đến cảm giác mới lạ cho người ăn. Hãy thử Torinoko để nếm vị mật ong đậm đặc bọc trong bột đậu trắng tẩm gừng, hoặc thưởng thức một chút Rokocha – thạch rượu mạnh được phủ trong đậu trắng và bột hạt dẻ. Hai lần một tháng, các thành phần theo mùa cũng được sử dụng cho tổng số 24 loại Manju khác (gọi là Sekki Hitokuchigashi) mà bạn có thể thưởng thức suốt cả năm.

Hitokuchigashi của Higashiya có hương vị đậm đà. Ảnh: higashiya.com

Nếu chọn thưởng thức trong các tiệm trà của Higashiya Ginza hoặc Higashiya Man Marunouchi, khách hàng sẽ thấy những bộ đồ ăn ở đây được làm thủ công vô cùng tinh tế, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các mặt hàng mang đi đều được đựng trong các hộp bìa cứng hoặc hộp giấy truyền thống được thiết kế đẹp mắt. Các cửa hàng Higashiya Man chuyên về bánh Manju hấp cũng sẽ cung cấp các loại đồ ngọt thú vị khác. Tuy nhiên, để có trải nghiệm hoản hảo thì tiệm trà của Higashiya Ginza là nơi bạn nên đến thăm.

Hộp Osechi Wagashi của Higashiya.

Ginza Kikunoya

Cửa hàng Ginza Kikunoya nằm dưới tầng hầm của Tòa nhà trung tâm ở Ginza, là một địa điểm đáng để ghé thăm với những tín đồ hảo ngọt. Những hộp Fukiyose, “hộp đá quý” đặc trưng của cửa hàng gồm hơn 30 loại bánh kẹo nhỏ, sẽ là một thứ đáng để chiêm ngưỡng và sở hữu.

Hộp Fukiyose đầy màu sắc. Ảnh: ginza-kikunoya.co.jp

Ginza Kikunoya được thành lập vào năm 1890, nằm cạnh nhà hát Kabukiza của Tokyo, và nhanh chóng được biết đến với món Kabuki senbei (bánh gạo). Trong thời Taisho (1912 - 1926), hãng đã cho ra đời hộp bánh Fukiyose và từ đó thì đây trở thành một trong những sản phẩm làm nên tên tuổi của Ginza Kikunoya. Giữa những thức bánh kẹo khác như Manju và Kuzumochi làm từ bột sắn dây, Kotofugu hình tròn hoặc Tokusen-kan Nhật Bản hình vuông thì Fukiyose của Ginza Kikunoya là món quà ấn tượng nhất. Hộp bánh kẹo cũng gồm những bánh Higashi trang nhã với hình dáng của núi Phú Sĩ, hoa anh đào, hoa mận, hoa cúc và cây thông,... tất cả đều được sắp xếp một cách nghệ thuật bên trên những chiếc bánh quy nhỏ, đậu phủ đường, kẹo cứng Konpeito nhiều màu sắc và các loại bánh khác.

Trà chiều tại Ginza Kikunoya. Ảnh: whenin.tokyo

Toraya

Là một trong những nhà cung cấp Wagashi lâu đời nhất, Toraya trở thành thương hiệu bánh nổi tiếng trên thế giới, bắt đầu bán bánh kẹo ra nước ngoài và mở chi nhánh tại Paris từ năm 1980. Toraya được thành lập ở Kyoto và đảm nhận cung cấp bánh kẹo phục vụ triều đình, hoàng cung từ đầu thế kỷ 16. Cửa hàng chính của Tora hiện nay nằm ở Akasaka, quận Minato, Tokyo. Tất cả các cửa hàng của Toraya đều được thiết kế nổi bật với phong cách thẩm mỹ tối giản, tôn vinh vẻ đẹp của những chiếc bánh Wagashi một cách đầy ấn tượng. Đáng chú ý là cửa hàng Tokyo Midtown, nơi dành một nửa không gian cho các cuộc triển lãm miễn phí về đồ ngọt Nhật Bản và các chủ đề liên quan.

Cửa hàng Toraya Tokyo Midtown.

Một trong những loại bánh nổi tiếng nhất của Toraya là món Yokan – những khối thạch đậu ngọt ngào được gói trong lá tre. Nghe giản đơn nhưng thực sự Yokan của Toraya mang một vẻ tinh tế, khác biệt khó nơi nào sánh được. Yokan có nhiều màu sắc và hương vị khác nhau, thường có thiết kế hoa văn như: Yokan dâu, Yokan sakura,... Ngoài ra, các loại đồ ngọt khác bao gồm Monaka (nhân đậu bọc trong bánh gạo) và bánh Higashi đường Wasanbon có hoa văn lúc nào cũng có sẵn như một món ăn đặc biệt chỉ phục vụ trong các phòng trà Toraya.

Những chiếc bánh tinh tế và đầy màu sắc của Toraya.