Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, chính sách “zero Covid-19” không khoan nhượng của Trung Quốc là không bền vững, nhất là khi thế giới đã có những hiểu biết về căn bệnh này. Đây là một trong những bình luận hiếm hoi của cơ quan Liên hợp quốc về việc một chính phủ xử lý đại dịch.
Phát biểu sau ông Tedros, Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho biết tác động của chính sách “zero-Covid” đối với nhân quyền cũng cần được xem xét cùng với ảnh hưởng đối với nền kinh tế của một quốc gia.
Ông cũng lưu ý rằng Trung Quốc đã ghi nhận 15.000 ca tử vong kể từ khi đại dịch xuất hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019 - một con số tương đối thấp so với mức 999.475 ở Hoa Kỳ và hơn 500.000 ở Ấn Độ.
Ông Ryan cho biết, “khi nhìn vào những con số đáng sợ đó, thì chúng ta có thể hiểu được việc Trung Quốc, một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới, muốn thực hiện các biện pháp cứng rắn để hạn chế sự lây lan của virus.” Tuy nhiên, chính sách “zero-Covid” của Trung Quốc đã thu hút sự chỉ trích từ các nhà khoa học cho đến chính công dân của nước này, đặc biệt là khi một chu kỳ lockdown kéo dài khiến hàng triệu người mệt mỏi và tức giận.
Trong số các hạn chế được thực thi tại Trung Quốc, thì nhiều biện pháp tại Thượng Hải là cực kỳ nghiêm ngặt, với việc cư dân chỉ được phép ra khỏi nhà vì những lý do đặc biệt, chẳng hạn như trường hợp y tế khẩn cấp. Nhiều khu vực thậm chí còn không cho phép người dân đứng ở cửa nhà để trò chuyện với hàng xóm. Bên cạnh đó, chính sách cách ly của Trung Quốc cũng đang hứng chịu nhiều sự trách móc vì đã tách trẻ em khỏi cha mẹ và đưa những trường hợp không có triệu chứng vào cùng nơi với những người có triệu chứng.