Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Làm việc 10 ngày không nghỉ

Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 10 ngày, xét xử vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật.

Ngày 12/4, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (viết tắt là TISCO). Đây là vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. 

Hội đồng xét xử gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Phan Huy Cương làm chủ tọa phiên tòa. Hai kiểm sát viên cao cấp của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao gồm: Phạm Văn Dũng, Nguyễn Văn Trọng (được biệt phái về Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội) và kiểm sát viên Đoàn Trần Thị Trân (Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội) được phân công thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

19 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án, trong đó 14 bị cáo gồm: Trần Trọng Mừng (sinh năm 1949, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên - TISCO), Mai Văn Tinh (sinh năm 1952, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam - VNS), Trần Văn Khâm (sinh năm 1961, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc TISCO), Đậu Văn Hùng (sinh năm 1951, nguyên Tổng Giám đốc VNS), Đặng Thúc Kháng (sinh năm 1959, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát VNS), Nguyễn Trọng Khôi (sinh năm 1957, nguyên Phó Tổng Giám đốc VNS), Ngô Sỹ Hán (sinh năm 1950, nguyên Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Ban Quản lý Dự án mở rộng sản suất giai đoạn 2 TISCO), Đặng Văn Tập (sinh năm 1952, nguyên Phó Giám đốc thường trực Ban Quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 TISCO), Đồng Quang Dương (sinh năm 1960, nguyên Phó Giám đốc kiêm Thư ký Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 TISCO), Trịnh Khôi Nguyên (sinh năm 1963, nguyên Trưởng Phòng Đầu tư phát triển VNS), Nguyễn Văn Tráng (sinh năm 1958, nguyên Ủy viên Ban kiểm soát VNS), Đỗ Xuân Hòa (sinh năm 1954, nguyên Kế toán trưởng TISCO), Uông Sỹ Bính (sinh năm 1953, nguyên Phó Trưởng Phòng Kế toán Thống kê Tài chính TISCO), Lê Thị Tuyết Lan (sinh năm 1963, nguyên Phó Trưởng Phòng Kế toán Thống kê Tài chính TISCO) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại Điều 360, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngoài ra, 2 bị cáo nguyên là thành viên Hội đồng quản trị VNS Lê Phú Hưng (sinh năm 1962) và Nguyễn Minh Xuân (sinh năm 1958); 3 bị cáo nguyên là thành viên Hội đồng quản trị TISCO: Nguyễn Chí Dũng (sinh năm 1955), Hoàng Ngọc Diệp (sinh năm 1966), Đoàn Thu Trang (sinh năm 1985) cùng bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 360, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong vụ án này, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) được triệu tập với tư cách là nguyên đơn dân sự, Công ty thép Việt Nam (VNS) là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Hiện có hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bị cáo.

Liên quan đến vụ án, Hội đồng xét xử cũng đã triệu tập đại diện các Bộ: Công Thương, Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính, Xây dựng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… đến phiên tòa. Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB), ông Hoàng Chí Cường (Tổng Giám đốc Tổng Công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam – VINAINCON) cũng được Hội đồng xét xử triệu tập tới phiên tòa.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên do TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là Hội đồng quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS). Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Năm 2007, đơn vị trúng thầu xây dựng là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Căn cứ kết quả đấu thầu, ngày 12/7/2007, Trần Trọng Mừng, Tổng Giám đốc TISCO cùng ông Shen He Ting (Thẩm Hạc Đình), Tổng Giám đốc MCC ký Hợp đồng số 01#EPC/TISCO-MCC (viết tắt là Hợp đồng EPC số 01#). Giá trị hợp đồng EPC số 01# là hơn 160 triệu USD (tương đương hơn 3.500 tỷ đồng), là giá trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng và đã bao gồm các loại thuế được xác định trong hợp đồng, các chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng theo phương thức Tổng thầu EPC.

Năm 2012, bị cáo Trần Văn Khâm (người đại diện vốn chính của VNS tại TISCO) ký văn bản gửi VNS xin chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 8.100 tỷ đồng, tăng hơn 4.200 tỷ đồng. Từ đó, năm 2013, VNS xin ý kiến Bộ Công Thương và bộ này có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận.

Sau khi ký Hợp đồng EPC số 01#, ngày 29/9/2007, TISCO cùng MCC đã khởi công thực hiện Hợp đồng. Tuy nhiên, sau hơn 11 tháng kể từ khi Hợp đồng EPC số 01# có hiệu lực thực hiện, MCC chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ; chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, không đặt hàng chế tạo máy móc thiết bị, không triển khai thi công các hạng mục của gói thầu, mà rút hết người về nước và nhiều lần có văn bản đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, tăng giá hợp đồng thêm hơn 138 triệu USD (tương đương hơn 3.000 tỷ đồng), bao gồm chi phí xây lắp, thiết bị, thiết kế, dịch vụ kỹ thuật và biến động tỷ giá. Việc MCC đưa ra đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng EPC như trên với lý do giá cả thị trường thế giới biến động tăng giá bất thường bị Viện Kiểm sát xác định là không có căn cứ, không đúng nguyên tắc hợp đồng theo hình thức trọn gói đã ký (Hợp đồng EPC).

Mặc dù biết rõ MCC vi phạm hợp đồng, đề nghị gia hạn thời hạn thực hiện hợp đồng và tăng giá hợp đồng không có căn cứ, không phù hợp quy định của pháp luật, không đúng nội dung thỏa thuận trong Hợp đồng EPC số 01# như đã nêu trên, nhưng lãnh đạo, cán bộ có trách nhiệm thuộc TISCO và VNS đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật và của Hợp đồng EPC số 01# để xem xét dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, báo cáo người có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu, tổ chức đấu thầu lại theo quy định, mà đã thực hiện các hành vi phạm pháp luật về đầu tư, vi phạm Hợp đồng EPC số 01# và thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kết luận, từ những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước và hành vi thiếu trách nhiệm của các cá nhân thuộc TISCO và VNS đã dẫn đến hậu quả làm thất thoát, lãng phí, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước với tổng số tiền lên tới hơn 830 tỷ đồng. Đây là số tiền lãi suất thực tế mà TISCO đã phải trả cho các ngân hàng kể từ khi dự án chậm tiến độ (từ ngày 31/5/2011) đến thời điểm khởi tố vụ án (ngày 18/4/2019).

Xem thêm

Thái Hưng thoái một nửa vốn tại Tisco

Thái Hưng thoái một nửa vốn tại Tisco

CTCP Thương mại Thái Hưng vừa đăng ký bán bớt 18,4 triệu cổ phiếu TIS của CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) trong tổng số 36,8 triệu cổ phiếu đang sở hữu (tỷ lệ 20%).

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…