Xổ số truyền thống “ tố khổ” vì xổ số điện toán

Xổ số điện toán đang mở ra hình thức chơi mới với giải thưởng hấp dẫn và gây lo ngại cho xổ số kiến thiết truyền thống.
Xổ số truyền thống “ tố khổ” vì xổ số điện toán
 
Cuối tuần qua tại TP Cần Thơ, cuộc họp của Hội đồng xổ số kiến thiết (XSKT) khu vực miền Nam lần thứ 108 với sự tham dự của lãnh đạo công ty xổ số 21 tỉnh, thành phía Nam. Tại đây, lãnh đạo các công ty XSKT cho rằng hoạt động kinh doanh của Công ty xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) không đúng quy định, làm ảnh hưởng đến thị trường xổ số khu vực miền Nam.Cạnh tranh gay gắt
Ông Thiệu Ngọc Tâm, Phó Chủ tịch Ban thường trực Hội đồng XSKT khu vực miền Nam, Chủ tịch Công ty TNHH MTV XSKT (XSKT) tỉnh Vĩnh Long, cho biết trong 9 tháng đầu năm, về doanh số phát hành đạt 63.380 tỉ đồng (tăng 4,85% so với cùng kỳ 2015). Doanh thu tiêu thụ đạt 50.635 tỉ đồng (tăng 9,87%), nộp ngân sách 17.283 tỉ đồng, chi phí trả thưởng 24.533 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 6.603 tỉ đồng. Các công ty xổ số tại các tỉnh, thành đạt lợi nhuận cao như: TPHCM (hơn 390,8 tỉ đồng), Đồng Tháp (459,3 tỉ đồng), Vĩnh Long (443,2 tỉ đồng), Đồng Nai (421,8 tỉ đồng)…
Ông Tâm nhấn mạnh: “Thời gian qua, tuy các chỉ tiêu có tăng trưởng nhưng qua phản ánh của đại lý xổ số truyền thống, tình hình kinh doanh xổ số điện toán của công ty Vietlott không đúng quy định, làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường kinh doanh XSKT trong khu vực”. Điển hình như một số hộ và đại lý xổ số điện toán tại TP HCM đưa vé số tự chọn số điện toán in sẵn về bán tràn lan trên địa bàn một số tỉnh, thành phố chưa triển khai thiết bị đầu cuối, làm thất thu ngân sách các địa phương.
“Khi Vietlott chưa mở chi nhánh tại TP Cần Thơ nhưng tại một số tỉnh như: Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau… đã bán vé số điện toán. Vì vậy, phía Vietlott ngoài đề ra giải pháp cần phải đi kiểm tra thực tế” - Ông Lê Văn Khánh, giám đốc Công ty TNHH MTV XSKT tỉnh Sóc Trăng, phản ứng gay gắt.
Ông Võ Văn Tuấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV XSKT tỉnh Kiên Giang, cho rằng vé số điện toán in sẵn các cặp số đưa đi bán dạo là không đúng với đặc điểm của loại hình xổ số tự chọn số điện toán, làm mất quyền tự chọn của người mua vé và không khác gì vé số truyền thống.
“Giá bán vé số điện toán chỉ 10.000 đồng nhưng qua tay người bán dạo thì họ bán với giá 12.000 đồng/vé, thậm chí là 15.000 đồng/vé, gây hoang mang, bức xúc, thiệt thòi cho đại lý, cạnh tranh không lành mạnh cùng phát triển giữa các loại hình xổ số” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Lãnh đạo các công ty XSKT cũng không đồng ý cách quảng cáo của Vietlott khi nội dung không rõ ràng, gây phản cảm như: loại hình xổ số tự chọn số điện toán do Vietlott phát hành nhưng treo biển quảng cáo tại các điểm bán là “xổ số kiểu Mỹ”, gây thắc mắc loại hình xổ số này có mang ý nghĩa ích nước-lợi nhà như XSKT hay không?
Xổ số truyền thống “ tố khổ” vì xổ số điện toán ảnh 1
Đại diện Vietlott cho rằng công ty chỉ mới phát hành hơn 3 tháng nên vẫn còn nhiều điểm cần điều chỉnh
Xử lý người tự ý nâng giá
Trước những bức xúc của các công ty XSKT truyền thống, ông Đỗ Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng XSKT khu vực miền Nam, cho biết: “Sau khi nhận phản ánh của các công ty, Hội đồng XSKT khu vực miền Nam có gửi văn bản đến Bộ Tài chính trình bày những vướng mắt. Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo công ty Vietlott làm rõ những nội dung trên.
Vietlott cũng đã có văn bản báo cáo lại cho chúng tôi, công ty cũng đề nghị các đại lý thực hiện kinh doanh đúng quy định, chi nhánh ở các tỉnh tăng cường theo dõi kiểm tra giám sát vi phạm trong kinh doanh”.
Giãi bày những khúc mắt được đưa ra, Phó tổng giám đốc Công ty Vietlott Nguyễn Thanh Đạm, nói: “Công ty có quyết định thành lập cách đây 5 năm, bộ máy hoạt động cách đây 4 năm và mới đi vào kinh doanh mới chỉ 3 tháng. Vì vậy, cũng còn non trẻ, trong vấn đề kinh doanh nảy sinh nhiều vấn đề”.
Về việc in sẵn vé bán tràn lan, ông Đạm thông tin rằng hệ thống in sẵn vé không chỉ ở nước ta mà nhiều nước khác vẫn làm vì có người thích chọn số nhưng cũng có người do vội nên cần mua vé có sẵn số. “Do nhu cầu nên có hình thành nhóm người bán dạo đến đại lý mua vé in sẵn rồi đi bán lại, và những trường hợp này tự nâng giá, các đại lý không có chủ trương này. Vì vậy, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ các công ty XSKT và ban, ngành tại địa phương. Luật đã có, nếu bán sai địa bàn thì địa phương có thể xử phạt theo quy định” - ông Đạm giải thích.
Theo Ca Linh/Người lao động

Có thể bạn quan tâm