Chứng khoán ngày 9/10, sau phiên phục hồi tăng điểm ở vùng giá trung bình MA200 cuối tuần trước. VN-Index đầu phiên giao dịch hôm nay rung lắc điều chỉnh nhẹ, sau đó tiếp tục phục hồi tăng điểm với lực cầu cải thiện tốt hơn.
Kết phiên VN-Index tăng 8,82 điểm (+0,78%) lên mức 1.137,36 điểm, vượt lên vùng giá thấp nhất tháng 09/2023 và vùng giá cao nhất tháng 1 và tháng 6/2023. HNX-Index tăng tốt hơn 3,10 điểm (+1,35%) về mức 228,01 điểm. Độ rộng trên 2 sàn niêm yết tích cực trở lại với 474 mã tăng giá (18 mã tăng trần), 196 mã giảm giá (5 mã giảm sàn) và 132 mã giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn đạt 15.286,07 tỷ đồng được giao dịch, không thay đổi nhiều so với phiên trước, chỉ đạt 70% so với mức trung bình. Mức độ phục hồi vẫn không đồng đều, phân hóa mạnh khi thị trường đang trong giai đoạn đón chờ thông tin kết quả kinh doanh quý 3/2023.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh với giá trị 710,14 tỷ đồng trên HOSE, tập trung bán ròng nhóm nhiệt điện, bất động sản, dịch vụ tài chính, chứng khoán; mua ròng trên HNX với giá trị 1,58 tỷ đồng.
Giá dầu thế giới tăng mạnh trở lại trước những diễn biến tại Israel cuối tuần trước qua đó nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có diễn biến tích cực, nổi bật phục hồi tăng mạnh so với thị trường chung, thanh khoản ở mức trung bình như PVC (+6,75%), PVS (+3,80%), PVB (+3,68%), BSR (+3,52%), PVD (+2,71%), GAS (+2,85%)...
Nhóm cổ phiếu bất động sản sau nhiều tuần chịu áp lực điều chỉnh mạnh, tiếp tục phục hồi khá tích cực với thanh khoản cải thiện, nhưng vẫn dưới mức trung bình như CEO (+7,03%), NLG (+4,04%), DIG (+3,81%), DXG (+3,59%), NVL (+3,24%), VHM (+2,06%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh như VIC (-1,63%), TDH (-0,78%), SJS (-0,32%)...
Các cổ phiếu nhóm thép cũng có diễn biến phục hồi tốt trước những thông tin về dự tính kết quả kinh doanh quý 3/2023 cải thiện, một số mã đủ điều kiện được cấp margin trở lại như VGS (+6,49%), NKG (+4,18%), HSG (+3,20%), HPG (+2,20%)...
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính chứng khoán vẫn có diễn biến khá tích cực so với thị trường chung khi chịu áp lực bán nhẹ hơn và phục hồi tốt, tuy nhiên thanh khoản giảm khá mạnh, dưới mức trung bình khi giá phục hồi như BSI (+5,13%), VCI (+3,85%), VND (+3,35%), VDS (+2,33%), FTS (+2,19%)... ngoài các mã giảm giá với WSS (-1,54%), PSI (-1,02%)...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có diễn biến kém tích cực so với thị trường chung, khi phân hóa, đa số phục hồi nhẹ, thanh khoản ở mức thấp như PGB (+3,24%), ACB (+3,21%), LPB (+2,55%), VPB (+2,15%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh nhẹ với NAB (-2,16%), ABB (-1,20%), VCB (-0,94%), BID (-0,59%)...
Có thể giải ngân từ 20-30% để lướt sóng
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Nhịp phục hồi ngắn hạn này sẽ là cơ hội tốt để các nhà đầu tư cơ cấu, thu gọn lại danh mục cổ phiếu. Đối với nhà đầu tư vẫn đang còn tỷ trọng tiền mặt cao thì có thể cân nhắc giải ngân từ 20-30% tài khoản để lướt sóng đối với những nhóm ngành đang thu hút lực cầu tốt như dầu khí.
Sẽ có những phiên giao dịch quanh ngưỡng 1.130
Chứng khoán BIDV (BSC)
Trong những phiên giao dịch tới, thị trường có thể sẽ có những phiên giao dịch tích lũy quanh ngưỡng 1.130.
Tiếp tục kiên nhẫn
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Sắc xanh trải rộng ở nhiều nhóm ngành nhưng giống như phiên trước đó, thanh khoản khớp lệnh vẫn ở mức thấp, hôm nay thậm chí còn sụt giảm nhẹ so với phiên cuối tuần trước.
Ba phiên tăng điểm gần đây đều có khối lượng khớp lệnh sụt giảm và thấp hơn mức trung bình 20 phiên. Tín hiệu này cho thấy những phiên tăng điểm mang yếu tố của nhịp hồi kỹ thuật thay vì những tín hiệu xác nhận sự đảo chiều.
Chứng khoán Kiến Thiết vẫn duy trì quan điểm rằng nhịp hồi sẽ kéo VN-Index tiến tới kháng cự 1.145-1.150 điểm, tại ngưỡng này, ưu tiên vị thế bán. Trong chiều hướng mua mới, tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi ngưỡng hỗ trợ 1.081-1.096 điểm.
Giải ngân trong nhịp hồi phục với tâm thế thận trọng và tỷ trọng thấp
Chứng khoán SHS
Xét dưới góc nhìn ngắn hạn thị trường đang trong nhịp hồi phục kỹ thuật sau đợt điều chỉnh khá sâu vừa qua. Vùng kháng cự gần của chỉ số là quanh vùng 1.150 điểm và xa hơn là vùng đáy của đợt điều chỉnh tháng 8/2023 (quanh 1.170 điểm).
Về góc nhìn trung hạn, với việc VN-Index thủng hỗ trợ 1.150 điểm và 1.135 điểm lần thứ 2 và hồi phục yếu xác nhận xu hướng uptrend của thị trường gần như đã kết thúc, thị trường sẽ vận động để tiến tới vùng cân bằng mới và tích lũy lại. Do biên độ dao động rộng thời gian vừa qua nên thời gian hình thành nền mới sẽ kéo dài.
Thị trường trong giai đoạn này sẽ hình thành các nhịp tăng, giảm đan xen để hướng tới đi ngang chặt chẽ dần. Với nhà đầu tư ngắn hạn có khả năng chịu đựng rủi ro cao, có thể xem xét tham gia giải ngân trong nhịp hồi phục nhưng với tâm thế thận trọng và tỷ trọng thấp. Nhà đầu tư trung, dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại.
Chỉ số có thể hình thành vùng tích lũy
Chứng khoán Tân Việt (TVSI)
Xu hướng tăng giá ngắn hạn khó có thể tiếp tục ngay với diễn biến tiêu cực như hiện nay. Kỳ vọng trong các phiên sắp tới, chỉ số có thể hình thành vùng tích lũy và hồi phục trở lại.
Tránh mua đuổi và ưu tiên việc giảm vị thế ngắn hạn về mức an toàn
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Lực mua chủ động tiếp tục gia tăng áp đảo bên bán đã giúp cho chỉ số VN-Index mở rộng nhịp hồi phục tích cực từ vùng đáy 1.106-1.110 điểm. Trong kịch bản tích cực, VN-Index được dự báo sẽ tiếp tục hướng lên vùng đích kỳ vọng quanh .1160 (+/-10) điểm trước khi gặp áp lực điều chỉnh rõ nét hơn.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi và ưu tiên việc giảm vị thế ngắn hạn về mức an toàn trong trường hợp VN-Index hồi phục sớm lên vùng kháng cự đã đề cập.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.