Chứng khoán ngày 11/1/2023, thị trường tăng khá tốt trong phiên giao dịch sáng nhưng càng về chiều, áp lực bán gia tăng khiến cho mức tăng bị thu hẹp đáng kể.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 2,41 điểm (+0,23%) lên mức 1.055,76 điểm; HNX-Index tăng 1,04 điểm (+0,49%) lên 211,67 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên mua với 500 mã tăng và 299 mã giảm. Trong nhóm VN30 (+0,44%), sắc xanh còn chiếm ưu thế hơn với 20 mã tăng và 10 mã giảm.
Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp, khối lượng giao dịch của VN-Index chỉ đạt 545 triệu đơn vị, với giá trị hơn 8,8 ngàn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt 61,8 triệu đơn vị, với giá trị 901 tỷ đồng.
VN-Index xuất hiện dấu hiệu suy yếu rõ rệt trong phiên chiều trước sức ép chốt lời từ cổ phiếu VCB. Kết phiên, VCB giảm 2,5% và lấy đi của chỉ số 2,614 điểm, VNM giảm 2% lấy đi của chỉ số 0,84 điểm. Cổ phiếu NVL (+6,8%) tăng trần ngay từ đầu phiên và khớp lệnh với khối lượng lớn nhất sàn HOSE với gần 28 triệu cổ phiếu.
Ngược lại, VHM (+2,1%), SAB (+2,8%) và CTG (+1,9%) là những mã ảnh hưởng tích cực nhất và đóng góp hơn 2,6 điểm cho VN-Index.
Nhóm chứng khoán giao dịch khả quan với phần lớn các mã đều tăng. Các cổ phiếu giao dịch tương đối ổn định trong phiên chiều và kết phiên với mức tăng khá như VCI (+4%), VIG (+2,1%), VND (+2,4%), SHS (+2,2%), SSI (+2,1%), MBS (+2,2%)… Ngoài ra, nhóm cổ phiếu trong ngành sản xuất hàng gia dụng, vật liệu xây dựng, sản phẩm cao su cũng có diễn biến tích cực.
Ngành ngân hàng có phần hạ nhiệt trong phiêu chiều. Kết phiên, MBB chỉ còn tăng nhẹ 0,3%, VIB tăng 0,2%, TCB tăng 0,7%, NVB tăng 1,5%... LPB lùi về mức giá tham chiếu 14.450 đồng/cp, BID (-0,1%), TPB (-0,2%), HDB (-0,3%), SGB (-0,8%), STB (-1%), VPB (-1,3%) đều đảo chiều giảm nhẹ.
Khối ngoại mua ròng tổng cộng 244,78 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó CTG và FUEVFVND là hai mã được mua ròng nhiều nhất với lần lượt 47,6 tỷ đồng và 43 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VCB là mã bị bán ròng nhiều nhất với hơn 30 tỷ đồng.
Diễn biến quanh biên độ từ 1030 – 1060 điểm
Chứng khoán Vietcombank
Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên, tạo mẫu hình nến inverted hammer cho thấy vùng điểm 1060 vẫn đang là kháng cự mạnh của thị trường. Thêm vào đó, tại khung đồ thị giờ, chỉ báo MACD và RSI đã tạo đỉnh và cho phân kỳ âm cho thấy rủi ro của thị trường trong ngắn hạn đã tăng lên đáng kể và áp lực bán mạnh có thể quay trở lại bất ngờ.
Trước diễn biến tâm lý e dè của nhà đầu tư trước kỳ nghỉ tết nguyên đán, dự báo chứng khoán ngày mai VN-Index khả năng cao sẽ tiếp tục diễn biến sideway quanh biên độ từ 1030 – 1060 điểm.
Khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục kiên nhẫn chưa gia tăng tỷ trọng cổ phiếu mà chờ đợi những phiên rung lắc mạnh để có thể giải ngân ở vùng giá có mức chiết khấu tốt hơn.
Vùng 1040 điểm đóng vai trò điểm đỡ
Chứng khoán KB Việt Nam
VN-Index tăng điểm với biên độ mở rộng trong phiên trước khi suy yếu và hạ dần độ cao về cuối phiên. Áp lực bán gia tăng quanh ngưỡng kháng cự gần 1060 (+-5) đã khiến cho chỉ số tiếp tục có một phiên vượt cản bất thành.
Mặc dù rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh vẫn đang có phần lấn át, vùng hỗ trợ gần quanh 1040 (+-5) được kỳ vọng sẽ đóng vai trò điểm đỡ đáng lưu ý cho VN-Index trong phiên chứng khoán ngày mai.
Khuyến nghị thực hiện bán trading một phần vị thế ngắn hạn tại vùng kháng cự và khống chế tỷ trọng ở mức an toàn.
Không có biến động mạnh
Chứng khoán BIDV (BSC)
Chứng khoán ngày 11/1, thị trường tiếp tục chuỗi ngày giằng co trong vùng 1.050- 1.065 với thanh khoản thấp. Sau khi chạm đến ngưỡng 1.065 trong phiên sáng, thị trường quay đầu và giảm về đóng cửa tại mốc 1.055,76, tăng nhẹ hơn 2 điểm so với phiên hôm qua.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 14/19 ngành tăng điểm, trong đó nhóm ngành liên quan đến đầu tư công như tài nguyên cơ bản, xây dựng và vật liệu,… tiếp tục có một phiên giao dịch tích cực.
Trong những phiên giao dịch chứng khoán ngày mai cho đến khi hết năm âm lịch Nhâm Dần, BSC vẫn giữ quan điểm thị trường sẽ không có biến động quá mạnh.
Tiếp tục đi ngang kèm thanh khoản thấp
Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam)
Kết phiên chứng khoán ngày hôm nay, VN-Index đóng cửa tại 1.055 điểm, tương ứng tăng 2,41 điểm (+0,23 %). Tổng khối lượng giao dịch giảm 0,2% so với phiên trước, đạt hơn 545 triệu đơn vị, tương ứng với hơn 8.858 tỷ đồng về giá trị.
Thanh khoản tiếp tục duy trì mức thấp dưới trung bình 20 ngày. Phiên giao dịch tăng điểm nhẹ khiến điểm số kỹ thuật trong ngắn hạn theo thang điểm dự báo duy trì ở mức +4 (khả quan). Hệ số P/E của VN-Index hiện tại đạt 11,1x.
Về tín hiệu kỹ thuật, dự báo chứng khoán ngày mai VN-Index tiếp tục đi ngang kèm thanh khoản thấp. Hỗ trợ gần nhất quanh 1.040-1.030.
Biến động trong vùng 1.047 – 1.062 điểm
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên giao dịch kế tiếp và chỉ số VN-Index vẫn biến động trong vùng 1.047 – 1.062 điểm. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên kỳ vọng thị trường sẽ sớm kết thúc giai đoạn đi ngang hiện tại.
Điểm tích cực là dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu hưởng lợi theo câu chuyện đầu tư công. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn vẫn tiếp tục trong vùng bi quan cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu với tỷ trọng tối đa 50% danh mục và chưa nên sử dụng đòn bẩy cao trong giai đoạn này.