Chứng khoán ngày 28/9, sau phiên giao dịch phục hồi tốt, Ngân hàng Nhà Nước tiếp tục phát hành 20.000 tỷ tín phiếu trong ngày 27/9/2023 nâng mức đã phát hành lên 70.000 tỷ đồng và dự kiến có thể lên 130.000 tỷ đồng, đã tạo áp lực tâm lý đến thị trường.
VN-Index đầu phiên giao dịch điều chỉnh giảm dưới áp lực của nhóm cổ phiếu ngân hàng, sức ép điều chỉnh tiếp tục gia tăng đến đầu phiên chiều khi VN-Index giảm điểm về quanh vùng 1.140 điểm và bắt đầu phục hồi trở lại.
Kết phiên VN-Index giảm nhẹ 1,42 điểm (-0,12%) về mức 1.152,43 điểm, vẫn duy trì cao hơn vùng giá thấp nhất tháng 08/2023. HNX-Index giảm 1,34 điểm (-0,57%) về 234,50 điểm. Độ rộng trên 2 sàn niêm yết nghiêng về tiêu cực khi tổng cộng có 372 mã giảm giá (6 mã giảm sàn), 287 mã tăng giá (10 mã tăng trần) và 130 mã giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn đạt 17.617 tỷ đồng, tiếp tục giảm 12,93% so với áp lực bán phiên trước, giảm mạnh so với mức trung bình cho thấy áp lực bán không mạnh, thị trường phân hóa và tâm lý thận trọng trước phiên kết thúc quý 3/2023 ngày mai.
Nhà đầu tư nước ngoài sau 3 phiên mua ròng đã bán ròng trở lại với giá trị 501,15 tỷ đồng. Trong đó bán ròng nhóm ngân hàng, dịch vụ tài chính, chứng khoán; mua ròng trên HNX với giá trị 99,33 tỷ đồng, nổi bật ở cổ phiếu PVS, SHS..
Dầu khí là nhóm cổ phiếu có diễn biến tích cực nhất thị trường khi giá dầu tiếp tục tăng lên mức cao, nhiều cổ phiếu tiếp tục thu hút dòng tiền, tăng giá tích cực và hướng đến vùng đỉnh giá lịch sử tháng 03/2022 như PVS (+5,61%), PVT (+4,64%), GSP (+6,92%), PVD (+3,77%), BSR (+3,70%)....
Các cổ phiếu cảng biển, vận tải biển cũng có diễn biến tích cực vượt trội, nhiều mã tiếp tục vượt đỉnh giá gần nhất khi thông tin giá cước vận tải vẫn đang tăng giá tốt, với mức tăng hơn 50% trong 01 tháng qua và vượt lên mức đỉnh đầu năm 2023, nổi bật như VOS (+6,80%), SGP (+5,56%), HAH (+3,20%), GMD (+2,81%)....
Trong khi đó nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán mặc dù thanh khoản thị trường thấp trở lại, áp lực bán ròng của khối ngoại gia tăng nhưng vẫn phân hóa khá tích cực khi FTS (+6,97%), BSI (+5,40%), CTS (+2,25%), AGR (+1,73%).. thanh khoản cải thiện, và các mã chịu áp lực điều chỉnh như VIX (-3,93%), VND (-3,66%), SSI (-2,12%), VCI (-2,09%)... thanh khoản dưới trung bình.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến kém tích cực nhất, ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số chung khi áp lực bán gia tăng khá mạnh ở đầu phiên giao dịch, nhiều mã thanh khoản tăng vượt mức trung bình như SSB (-4,76%), EIB (-3,86%), STB (-3,30%)... ngoài các mã phục hồi tăng giá với TCB (+3,22%), LPB (+2,64%), TPB (+1,40%)...
Các cổ phiếu bất động sản ngoài NTL (+4,49%) có diễn biến khá tích cực vượt vùng giá đỉnh gần nhất thì đa số tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản giảm, dưới trung bình như DIG (-3,92%), CEO (-3,67%), TDC (-3,33%), NBB (-2,83%)...
Hướng tới kiểm định trở lại ngưỡng 1.165
Chứng khoán BIDV (BSC)
Trong những phiên giao dịch tới, thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co quanh ngưỡng 1.150 để tìm điểm cân bằng sau đợt điều chỉnh và hướng tới kiểm định trở lại ngưỡng 1.165.
Cơ cấu gọn lại danh mục
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Về góc nhìn kỹ thuật, lực cầu về cuối phiên giúp VN-Index hình thành nến Dragonfly Doji. Xét về khung đồ thị ngày, các chỉ báo vẫn đang hướng xuống khá tiêu cực và mới chỉ dần bẻ ngang cho thấy đà giảm của thị trường tạm thời chững lại nhưng chưa thể khẳng định VN-Index đã tạo đáy ngắn hạn tại đây.
Nếu lực cầu được duy trì tốt, VN-Index có thể bật nảy bám sát lại đường trung bình động MA20 và chạm lại đường Senkou-span B, tương đương với khu vực 1170 - 1175
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì tâm lý thận trọng. Đối với nhà đầu tư vẫn còn tỷ trọng cổ phiếu cao thì nên tận dụng những phiên phục hồi để cơ cấu gọn lại danh mục. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư ngắn hạn đã bắt đáy thì chỉ nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu từ 10 – 30% tài khoản để quản trị rủi ro tối đa.
Nắm giữ vị thế đã mở trong những phiên trước
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
VN-Index trải qua một nhịp rung lắc giằng co trong phiên trước khi dần hồi phục và mở rộng đà tăng hưng phấn về cuối phiên. Lực cầu bắt đáy gia tăng quanh ngưỡng hỗ trợ đáng lưu ý 1.140 (+-10) đã giúp cho chỉ số sớm hồi phục trở lại sau nhịp chớm phá đáy đầu phiên.
Mặc dù áp lực rung lắc sẽ vẫn còn tiếp diễn trong các phiên tới, VN-Index được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng đà hồi phục và hướng lên ngưỡng cản đáng lưu ý quanh 1.170 (+-5). Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ các vị thế đã mở trong những phiên trước và có thể gia tăng một phần tỷ trọng khi chỉ số về lại ngưỡng hỗ trợ đã đề cập.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.