Xu thế chứng khoán tuần 11/12 – 15/12: Ưu tiên các cổ phiếu đang thu hút được dòng tiền mạnh

Nhìn chung, thị trường vẫn chưa thoát khỏi trạng thái vận động Sideway sau phiên giao dịch 8/12. Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc giữ danh mục ở tỷ trọng cân bằng, trong đó ưu tiên các cổ phiếu có cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh khả quan và đang thu hút được dòng tiền mạnh...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Xu thế chứng khoán tuần 11/12 – 15/12: Ưu tiên các cổ phiếu đang thu hút được dòng tiền mạnh
Xu thế chứng khoán tuần 11/12 – 15/12: Ưu tiên các cổ phiếu đang thu hút được dòng tiền mạnh

Chứng khoán tuần 4/12 – 8/12, sau nhiều tuần biến động trong biên độ hẹp quanh vùng giá 1.100 điểm. VN-Index đã có tuần giao dịch tích cực trong những phiên đầu tuần khi tăng giá tốt lên vùng giá 1.130 điểm.

Chỉ số sau đó chịu áp lực rung lắc mạnh và phục hồi tốt dưới ảnh hưởng tích cực của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30. Kết tuần VN-Index tăng 2,02% so với tuần trước lên mức 1.124,44 điểm với thanh khoản gia tăng mạnh.

HNX-Index có diễn biến tương tự tích lũy ở vùng giá trung bình quanh 225 điểm. Kết tuần HNX-Index tăng 2,18% so với tuần trước lên mức 231.20 điểm.

Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 104.393,28 tỷ đồng, tăng mạnh 59,9% so với tuần trước. Trong đó có phiên giao dịch 7/12/2023 với thanh khoản đột biến quanh vùng giá trung bình MA200, khối lượng giao dịch gần 1,3 tỷ cổ phiếu, cao nhất từ tháng 9/2023, đột biến khá mạnh trong VN30. Thanh khoản HNX tăng 68,4% so với tuần trước với 12.899,18 tỷ đồng được giao dịch.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng đột biến trong tuần với giá trị lên đến 3.953,89 tỷ đồng trên HOSE, bán ròng trên HNX với giá trị 72,9 tỷ đồng.

Điểm nhấn trong tuần đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nổi bật ở nhóm cổ phiếu bán lẻ, khi nhiều mã phục hồi tăng giá tốt trước áp lực bán ròng mạnh của khối ngoại, thanh khoản tăng mạnh như MWG (+9,94%), MSN (+7,64%), PET (+5,03%), DGW (+3,30%)...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau giai đoạn có diễn biến kém tích cực so với nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình cũng có tuần giao dịch tích cực, thanh khoản cải thiện với đa số tăng giá tốt, nhiều mã hướng đến vùng đỉnh giá tháng 9/2023 khi VN-Index ở vùng giá 1.250 điểm như LPB (+6,86%), BID (+6,35%), OCB (+5,62%), EIB (+4,37%), TCB (+4,03%)....

Trong khi đó nhóm cổ phiếu bất động sản phân hóa hơn, đa số vẫn có diễn biến tăng giá tích cực so với tuần trước, nhiều mã tăng giá tốt như L14 (+8,14%), DIG (+6,57%), NTL (+6,46%), PDR (+6,30%)... ngoài các mã giảm giá với LDG (-12,17%), SJS (-5,22%),VHM (-3,06%)...

Các cổ phiếu dịch vụ tài chính cũng phân hóa, đa số chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản khá đột biến trong phiên 07/12/2023 và phục hồi kém, tuy nhiên kết tuần nhiều mã vẫn tích cực với HCM (+5,08%), VDS (+4,44%), TVS (+3,96%), VIX (+2,99%) ...

Chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Ngưỡng kháng cự trong tuần tới được kỳ vọng ở mốc 1.137 – 1.145 điểm

Chứng khoán Kiến Thiết (CSI)

Dù gặp áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại, nhưng chúng ta nhận thấy dòng tiền nội rất mạnh, hấp thụ hết lượng cung của khối ngoại và giữ chỉ số VN-Index ở tín hiệu tích cực trên biểu đồ tuần.

Áp lực bán rất mạnh trong ngày giao dịch thứ 5, song ngưỡng hỗ trợ 1.102 -1.106 điểm chưa bị xâm phạm đồng thời đà giảm thu hẹp về cuối phiên với thanh khoản dâng cao, dấu chỉ cho thấy dòng tiền lớn đã nhập cuộc khi VN-Index có sự chiết khấu giá rẻ trong một phiên.

Ở thời điểm hiện tại, VN-Index vẫn đóng cửa trên trung bình MA200 sau 4 phiên dao động tích lũy quanh ngưỡng này. Vì vậy CSI cho rằng rằng tín hiệu tích cực vẫn chiếm ưu thế hơn.

VCI tiếp tục quan điểm nắm giữ danh mục, thậm chí tận dụng nhịp rung lắc mạnh của thị trường (nếu có) để gia tăng thêm tỷ trọng ở những mã cổ phiếu đã có lợi nhuận khi VN-Index kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 1.102 -1.106 điểm ở tuần sau. Ngưỡng kháng cự trong tuần tới được kỳ vọng ở mốc 1.137 – 1.145 điểm.

Ưu tiên các cổ phiếu đang thu hút được dòng tiền mạnh

Chứng khoán Phú Hưng (PHS)

Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên tăng điểm nhẹ trở lại. Khối lượng giao dịch sụt giảm xuống dưới mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền có dấu hiệu thận trọng hơn.

Không những vậy, chỉ số tuy vẫn giữ được đóng cửa trên MA5 và 20 nhưng các nến lại có thân thu hẹp dần, cùng với đường –DI vẫn nằm trên +DI, cho thấy đà tăng đã hạ nhiệt và áp lực chốt lời đang hiện hữu.

Thêm vào đó, chùm MA5, 20, 50 có xu hướng hội tụ quanh MA200 thể hiện trạng thái vận động chính của chỉ số có thể vẫn là Sideway trong biên độ từ 1.073 đến 1.132 điểm. Vì vậy, với dấu hiệu đà tăng hạ nhiệt khi chỉ số tiệm cận vùng biên trên (1.132 điểm) thì cơ hội để chỉ số vượt qua ngưỡng kháng cự này đang suy giảm.

Đối với sàn Hà Nội, HNX Index có diễn biến kém tích cực hơn. Chỉ số tiếp tục có phiên giảm điểm và đóng cửa xuống dưới MA5, cho thấy đà phục hồi đã suy giảm và chỉ số có thể cần nhịp điều chỉnh kỹ thuật về lại vùng hỗ trợ 228 điểm (MA20) nhằm củng cố lại đà tăng.

Nhìn chung, thị trường vẫn chưa thoát khỏi trạng thái vận động Sideway sau phiên giao dịch 8/12. Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc giữ danh mục ở tỷ trọng cân bằng, trong đó ưu tiên các cổ phiếu có cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh khả quan và đang thu hút được dòng tiền mạnh.

Giải ngân với quan điểm thận trọng

Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS)

Thị trường vẫn đang trong nhịp hồi phục thứ 2 sau nhịp giảm sâu và SHS cho rằng, thị trường sau hồi phục sẽ dần hình thành nền tích lũy mới. Trong ngắn hạn SHS kỳ vọng VN-Index sẽ sớm vượt qua ngưỡng cản gần quanh 1.130 điểm để hướng tới vùng 1.150 điểm.

Xu hướng trung hạn của chỉ số là tìm điểm cân bằng tích lũy trở lại, trong kịch bản tích cực là vùng 1.150 điểm – 1.250 điểm, trường hợp kém hơn là vùng 1.100 điểm – 1.150 điểm.

Thị trường trong ngắn hạn đang trong nhịp hồi phục thứ 2 và hướng tới kháng cự 1.150 điểm, VN-Index đã kiểm tra hỗ trợ 1.100 điểm thành công. Nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có thể giải ngân với quan điểm thận trọng bởi nhịp hồi không phải là xu hướng uptrend tiếp diễn nên sẽ có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào.

Trong trung, dài hạn thị trường dù mất xu hướng uptrend nhưng sẽ đi tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại nên rủi ro trung dài hạn không cao. Nhà đầu tư trung hạn vẫn có thể gia tăng tỷ trọng, hướng giải ngân nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cố phiếu có tiềm năng tăng trưởng ổn định đang vận động trong trạng thái tích lũy hiện nay.

Chỉ trải lệnh mở mua quanh ngưỡng hỗ trợ gần 1080 (+-15)

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

VN-Index diễn biến chính với xu hướng giằng co trong hầu hết phiên giao dịch. Việc chỉ số hình thành mẫu nến spinning với thanh khoản giảm cho thấy tương quan giữa phe mua và phe bán đang có sự cân bằng.

Nhiều khả năng VN-Index vẫn có thể duy trì đà hồi phục lên vùng đích kỳ vọng được đặt tại 1150 (+-15) trước khi gặp áp lực điều chỉnh đáng kể trở lại.

Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp hồi phục sớm và chỉ trải lệnh mở mua quanh ngưỡng hỗ trợ gần 1080 (+-15).

Giao dịch cẩn trọng trong những phiên tới

Chứng khoán BIDV (BSC)

Hiện tại, hầu hết các chỉ báo kỹ thuật ở đồ thị ngày và giờ đều cho thấy dấu hiệu tích cực cùng với việc thanh khoản trong các phiên giao dịch gần đây đã cải thiện có thể củng cố đà tăng của VN-Index trong ngắn hạn với ngưỡng hỗ trợ 1.150 điểm.

Tuy nhiên việc khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh có thể tạo áp lực lên thị trường trong ngắn hạn. Khuyến nghị nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng trong những phiên tới.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Có thể bạn quan tâm