Kết thúc phiên 8/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 0,36% lên 36.247,87 điểm, S&P 500 thêm 0,41%, kết thúc phiên ở mức 4.604,37 điểm và Nasdaq tăng 0,45% thành 14.403,97 điểm.
Mức đóng cửa của S&P 500 là cao nhất kể từ tháng 3/2022, trong khi Nasdaq là kể từ tháng 4/2022.
Trong tuần, S&P 500 tăng 0,21%, lần thứ sáu liên tiếp ghi nhận mức tăng hàng tuần và cũng là chuỗi dài nhất kể từ tháng 11/2019. Chỉ số Dow Jones tăng 0,01% trong tuần, cũng là tuần tăng thứ sáu liên tiếp, chuỗi tuần tích cực dài nhất kể từ tháng 2/2019.
Nasdaq tăng 0,69% trong tuần.
Ở các diễn biến riêng lẻ, nhà sản xuất chip Nvidia và chủ sở hữu Facebook Meta Platforms đều nhích gần 2% trong phiên.
Paramount Global tăng vọt 12% nhờ có báo cáo về những mối quan tâm đối với việc tiếp quản công ty truyền thông này. “Đồng nghiệp” Warner Bros Discovery cũng leo 6,6%.
DocuSign tăng 4,8% khi nhà cung cấp chữ ký điện tử nâng dự báo doanh thu hàng năm.
Trong khi đó, cổ phiếu của Alphabet, công ty mẹ của Google giảm 1,4%, mất đi mức tăng nhờ đợt phục hồi do AI dẫn đầu trong phiên trước đó.
Honeywell mất 1,6% khi công ty công nghiệp cho biết họ sẽ mua lại mảng kinh doanh bảo mật của nhà sản xuất điều hòa không khí Carrier Global với giá 4,95 tỷ USD. Cổ phiếu của Carrier tăng gần 4%.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,0 tỷ cổ phiếu được, bằng với mức trung bình trong 20 phiên trước đó.
Về khía cạnh kinh tế, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ mới đây cho thấy bảng lương phi nông nghiệp tăng 199.000 việc làm trong tháng 11, cao hơn so với ước tính là 180.000.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,7%, trong khi thu nhập trung bình tăng lên 0,4% hàng tháng, so với dự báo 0,3%.
Theo công cụ CME FedWatch, hầu hết các nhà đầu tư đều đặt cược cho khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tuần tới. Tuy nhiên, kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ bắt đầu cắt giảm lãi suất lại hướng tới tháng 5/2024, muộn hơn 2 tháng so với suy nghĩ của một số nhà đầu tư trong vài ngày trước đây.
Stuart Cole, nhà kinh tế vĩ mô trưởng tại Equiti Capital, cho biết: “Tỷ lệ thất nghiệp giảm sẽ làm dịu đi mọi lo ngại về suy thoái kinh tế. Đồng thời, với việc bảng lương và thu nhập đều tăng, câu chuyện “hạ cánh mềm” đang ngày càng được ưu tiên”.
Các dữ liệu khác cho thấy tâm lý người tiêu dùng Mỹ tăng cao hơn nhiều so với dự kiến trong tháng 12, chấm dứt 4 tháng giảm liên tiếp.
Các báo cáo hàng quý mạnh mẽ và sự lạc quan rằng Fed hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất đã thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng ổn định kể từ cuối tháng 10.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đảo chiều tăng hơn 2% vào 8/12 nhờ số liệu của Mỹ hỗ trợ kỳ vọng tăng trưởng trong nhu cầu. Mặc dù vậy, cả hai điểm chuẩn đều giảm ở tuần thứ bảy liên tiếp, chuỗi giảm hàng tuần dài nhất trong nửa thập kỷ, do lo ngại về tình trạng dư cung kéo dài.
Hợp đồng tương lai dầu thô Brent giao dịch ở mức 75,84 USD/thùng, tăng 1,79 USD, tương đương 2,4%, trong khi giá dầu WTI ổn định ở mức 71,23 USD/thùng, tăng 1,89 USD, tương đương 2,7%.
Trong tuần, cả hai đều giảm 3,8% sau khi chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6 vào ngày thứ 7/12, một dấu hiệu cho thấy nhiều nhà giao dịch tin chắc rằng thị trường đang dư cung.
Cũng thúc đẩy sự suy thoái của thị trường, dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 11 giảm 9% so với một năm trước do mức tồn kho cao, các chỉ số kinh tế yếu và đơn đặt hàng chậm lại từ các nhà lọc dầu độc lập.
Tuy nhiên, mức tăng hôm 8/12 có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường đã tìm được mức sàn sau sáu phiên giảm liên tiếp, ông Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, nhận xét.