Chứng khoán tuần 11/9-15/9, sau ba tuần liên tiếp phục hồi tăng điểm từ 1.150 điểm lên lại vùng đỉnh giá tháng 8/2023 quanh 1.250 điểm. VN-Index đã gặp áp lực bán và biến động mạnh trong tuần khi phiên đầu tuần chịu áp lực bán với khối lượng đột biến từ 1.250 điểm về vùng giá 1.220 điểm, sau đó phục hồi trở lại kháng cự 1.250 điểm với thanh khoản giảm trong phiên tiếp theo, sau đó điều chỉnh trở lại.
Phiên cuối tuần VN-Index phục hồi với thanh khoản thấp, kết thúc tuần ở mức 1.227,36 điểm, giảm 1,14% so với tuần trước. HNX-INDEX kết thúc tuần ở mức 252,76 điểm, giảm 1,34% so với tuần.
Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 133.213,16 tỷ đồng tăng 9,2% so với tuần trước, khối lượng giao dịch tăng 7,3%, trung bình đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu/phiên tại HOSE. Thanh khoản HNX tăng 11,1% với 12.336,89 tỷ đồng được giao dịch. Thị trường vẫn giao dịch sôi động, mặc dù áp lực bán khá mạnh ở nhiều nhóm mã như nhóm bất động sản. Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch, bán ròng mạnh tuần thứ 3 liên tiếp với giá trị gia tăng 2.142,46 tỷ đồng, tập trung bán mạnh ở nhóm thép, ngân hàng, dịch vụ tài chính, chứng khoán; mua ròng trên HNX với giá trị 11,82 tỷ đồng.
Thị trường đón nhận nhiều thông tin trong tuần như Việt Nam và Mỹ nhất trí nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Khuôn khổ mới sẽ mở ra những cơ hội mới để đưa quan hệ Việt – Mỹ phát triển lên một tầm cao mới; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các CTCK thực hiện rà soát và dừng ngay việc sử dụng hình thức đặt lệnh tự động nếu có; Số tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 8/2023 ghi nhận 188.298, mức cao nhất trong vòng hơn một năm; ECB tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp vào ngày 14/9/2023; Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hạ 0,25 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 15/9/2023.
Mặc dù VN-Index chịu áp lực điều chỉnh nhưng vẫn có nhiều nhóm mã có diễn biến tích cực, nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu dầu khí khi có nhiều mã tăng giá mạnh, vượt và hướng đến vùng giá đỉnh lịch sử, thanh khoản gia tăng mạnh như CNG (+11,76%), PVT (+9,59%), PVB (+8,92%), GAS (+7,24%), OIL (+6,42%), PVS (+6,20%)....
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán đa số cũng có diễn biến nổi bật, tích cực khi thanh khoản duy trì mức cao với nhiều mã đã lên lại vùng giá tháng 3/2023 - 4/2023 như MBS (+11,43%), BSI (+11,20%), AGR (+8,76%), TVS (+5,70%), SSI (+5,19%)... ngoài các mã chịu áp lực bán khá mạnh như VFS (-11,61%), WSS (-5,68%)...
Trong khi đó nhóm bất động sản có diễn biến kém tích cực nhất với hầu hết chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản gia tăng đột biến là tác nhân chính ảnh hưởng kém tích cực lên chỉ số với L14 (-10,14%), VIC (-9,31%), LDG (-9,23%), TDC (-7,95%), NLG (-7,63%), DIG (-7,42%), VHM (-6,48%).
Thăm dò cung cầu tại vùng 1.220 – 1.237 điểm
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Nhịp giảm của thị trường chững lại với phiên lưỡng lự và hồi phục nhẹ. Thanh khoản giảm với nến star, cho thấy nguồn cung đang hạ nhiệt gần vùng hỗ trợ 1.220 điểm. Với tín hiệu này, có khả năng diễn biến thị trường sẽ chậm lại trong thời gian tới và theo hướng thăm dò cung cầu tại vùng 1.220 – 1.237 điểm trước khi có tín hiệu cụ thể hơn.
Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu tại vùng thăm dò và đánh giá lại trạng thái thị trường. Tạm thời vẫn cần giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý để có thể phòng ngừa rủi ro.
Xu hướng tăng ngắn hạn vẫn được bảo lưu
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
VN-Index trải qua một phiên giao dịch khá cân bằng với các nhịp tăng giảm đan xen trong phiên, hình thành mẫu nến spinning trung tính. Ở một góc nhìn rộng hơn, sự xuất hiện của 3 phiên phân phối gần đây cho thấy rủi ro mở rộng thêm nhịp điều chỉnh của chỉ số với 2 vùng hỗ trợ đáng lưu ý, gần là 1.21x và sâu hơn là quanh 1.190.
Mặc dù vậy, khi xu hướng tăng ngắn hạn vẫn đang được bảo lưu, VN-Index được kỳ vọng sẽ tìm lại động lực tăng điểm tại các điểm đỡ này. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục thực hiện trading quay vòng nhẹ tại vùng hỗ trợ gần và có thể trải lệnh tăng thêm 1 phần tỷ trọng trong trường hợp chỉ số rơi xuống vùng hỗ trợ sâu hơn.
Duy trì sự thận trọng, hạn chế mua mới
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết tuần tạo nến Spinning top thể hiện sự lưỡng lự và thận trọng của nhà đầu tư trước diễn biến rung lắc của thị trường tại vùng đỉnh. Xét về khung đồ thị ngày, 2 chỉ báo quan trọng là MACD và RSI vẫn đang suy yếu và hướng xuống nên chưa thể khẳng định thị trường đã tìm lại được điểm cân bằng ngay trong các phiên tới. Bên cạnh đó, dải Bollinger band đang dần bó hẹp cùng với việc chỉ báo ADX đã giảm xuống 21 cho thấy xác suất cao Vn-Index sẽ tiếp tục dao động ở biên độ hẹp trong ngắn hạn.
Các nhà đầu tư vẫn nên duy trì sự thận trọng, tận dụng những nhịp phục hồi để bán giảm những mã cổ phiếu có diễn biến yếu hơn thị trường, hạn chế mua mới tại thời điểm hiện tại và chỉ nên duy trì tỉ trọng cổ phiếu từ 30 – 40% tài khoản để quản trị tối đa rủi ro trong ngắn hạn.
Quan sát cho đến khi xu hướng mới hình thành
Chứng khoán DSC
Chỉ số VN-Index đóng cửa với mẫu nến Doji sắc đỏ, neo trên ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 1.220 điểm. Trạng thái lưỡng lự tại nền hỗ trợ là biểu hiện chững lại áp lực cung sau nhiều phiên giảm điểm quyết liệt, và cả từ vị thế bên mua chưa sẵn sàng hành động.
Kỳ vọng thị trường giữ trận thành công trên vùng hỗ trợ 1.220 điểm trong tuần sau. Rủi ro thị trường giảm điểm mạnh đã vơi đi phần nào bởi (1) dòng tiền quay trở lại ở nhóm vốn hóa lớn Ngân hàng và Bất động sản, (2) tác nhân điều chỉnh nhóm cổ phiếu Vingroup tiệm cận vùng quá bán (3) biểu hiện từ thị trường chứng khoán thế giới với sắc xanh lan tỏa, (4) khối ngoại giảm bớt áp lực bán ròng.
Trên phương diện kỹ thuật, chỉ số chung nhiều lần ghi nhận tín hiệu cân bằng tại ngưỡng RSI (50 điểm). Tuy nhiên, với 4 phiên phân phối, nhà đầu tư nên quan sát cho đến khi xu hướng mới hình thành; vị thế hàng có sẵn để hành động trong trường hợp rủi ro xuất hiện. Trường hợp chỉ số vượt qua ngưỡng cản pivot 1.250 điểm, chỉ số sẽ tiếp tục mở ra xu hướng tăng trung hạn; quản trị rủi ro ngắn hạn nếu VN-Index vi phạm 1.215 điểm (ma20).
Quan sát thêm tại vùng hỗ trợ 1.220 điểm
Chứng khoán Asean
Thị trường có thể sẽ kiểm định các vùng hỗ trợ thấp hơn trong phiên tới, qua đó tạo sức hút lớn hơn khiến cho dòng tiền quay trở lại thị trường. Nhà đầu tư nên duy trì sự thận trọng, và hạn chế mua đuổi trong giai đoạn hiện tại, đồng thời cần quan sát thêm tại vùng hỗ trợ 1.220 điểm. Kịch bản tích cực được xác nhận khi Vn-Index vượt lên MA10 xung quanh 1.235 điểm cùng thanh khoản lớn trong đầu tuần sau.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.