Chứng khoán tuần 14/8-18/8, sau 6 tuần liên tiếp tăng điểm mạnh từ vùng giá 1.120 điểm -1.125 điểm, VN-Index đã có tuần giảm điểm mạnh lấy đi thành quả tăng điểm của những tuần trước. Kết thúc tuần VN-Index có phiên cuối tuần giảm mạnh 55,49 điểm (-4,50%) về mức 1.177,99 điểm với khối lượng giao dịch hơn 1,645 tỷ cổ phiếu, thanh khoản cao nhất lịch sử, qua đó kết tuần giảm 4,40% so với tuần trước. HNX-INDEX giảm 3,79% so với tuần trước về mức 235,96 điểm.
Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 125.063 tỷ đồng tăng 11% về giá trị và 3,2% về khối lượng giao dịch so với tuần trước. Thanh khoản lập kỷ lục mới với trung bình gần 36 ngàn tỷ đồng/1 phiên ở HOSE. Thanh khoản HNX tăng 22,2% với 13.427,16 tỷ đồng được giao dịch. Đi kèm với việc giảm điểm mạnh, diễn biến này thể hiện áp lực bán rất mạnh, đột biến trong 2 phiên cuối tuần. Nhà đầu tư nước ngoài sau 3 tuần mua ròng, đã bán ròng mạnh với giá trị 960 tỷ đồng, bán ròng trên HNX với giá trị 142,64 tỷ đồng.
Thị trường đón nhận một số thông tin như: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 15/8/2023 đã hạ lãi suất của các khoản vay một năm từ 2,65% xuống 2,5%, thấp nhất từ 2020. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ. Chính phủ yêu cầu Ngân hàng nhà nước làm việc với các Bộ để xem xét sửa đổi thông tư 06 tạo điều kiện tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp. Cổ phiếu Vinfast (VFS) chính thức niêm yết trên sàn NASDAQ (Mỹ). China Evergrande Group, doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Trung Quốc, vừa chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ.
Với những thông tin tích cực, tiêu cực đan xen và điểm nhấn là diễn biến giao dịch của VFS trên NASDAQ đã dẫn đến biến động mạnh của cổ phiếu VIC, bên cạnh thông tin China Evergrande Group nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ đã dẫn đến chỉ số trong những phiên cuối tuần giảm mạnh đột biến. Hầu hết các mã, nhóm mã đều có diễn biến tiêu cực sau khi kết thúc tuần và lấy đi hầu hết thành quả trong 4 tuần vừa qua. Trong đó nhóm cổ phiếu bất động sản, ngoài CEO (+23,71%), L14 (+13,32%) vẫn tăng giá mạnh thì đa số đều giảm mạnh với thanh khoản đột biến như SJS (-13,18%), QCG (-10,92%), NDN (-8,94%), LDG (-8,54%), HDG (-8,52%)...
Các cổ phiếu trong nhóm VN30 đại diện cho các nhóm ngành cũng chịu áp lực bán mạnh trong phiên cuối tuần với mức giảm 4,80%, ngoài FPT (+4,27%), SSI (+0,53) thì hầu hết đều giảm mạnh như SSB (-9,70%), SHB (-7,34%), VPB (-6,36%)... đại diện nhóm ngân hàng, nhóm khu công nghiệp, cao su với BCM (-8,23%), GVR (-5,92%).... bán lẻ với MSN (-6,51%), MWG (-5,82%), dầu khí với PLX (-8,12%)... bất động sản VIC (-7,85%), VHM (-6,73%), VRE (-5,37%)... hay BVH (-5,35%) đại diện nhóm bảo hiểm... Các nhóm ngành khác kết thúc tuần đều có diễn biến kém tích cực khi chịu áp lực bán rất mạnh sau giai đoạn tăng giá.
Trên thị trường phái sinh, thị trường chuyển sang kỳ hạn chính VN30F2309 và ngay lập tức chịu áp lực bán mạnh giảm 58,8 điểm, mức chênh lệch 0,12 điểm so với VN30. Khối lượng giao dịch tăng mạnh đột biến 86% so với phiên trước cho thấy lệnh bán đầu cơ trong phiên gia tăng rất mạnh. Các kỳ hạn lớn hơn VN30F2310, VN30F2312, VN30F2403 chênh lệch âm từ -6,68 điểm đến -10,88 điểm. Cho thấy các các trader nghiêng về khả năng phục hồi nhẹ của VN30 trong ngắn hạn, nhưng vẫn bi quan về khả năng tiếp tục điều chỉnh ở khung thời gian lớn.
Hạn chế sử dụng margin
Chứng khoán Asean
Thị trường phiên giao dịch cuối tuần ghi nhận một phiên bán tháo mạnh với thanh khoản cao kỷ lục. Điều này cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế và xu hướng ngắn hạn trở nên xấu đi. Với diễn biến hiện tại của thị trường, khả năng áp lực giảm điểm vẫn còn hiện hữu trong phiên giao dịch buổi sáng đầu tuần sau.
Do đó, nhà đầu tư nên thận trọng quan sát lực cầu tại các vùng hỗ trợ xung quanh 1.170 điểm và sâu hơn nữa là 1.150 điểm, trước khi ra quyết định giải ngân, đồng thời hạn chế sử dụng margin trong giai đoạn này.
Nhà đầu tư lưu ý vùng kháng cự 1.200
Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS)
VN-Index đã dừng bước ở mốc 1.245 và tạo thành mẫu hình 2 đỉnh trước khi giảm mạnh tại đây. Xu hướng giảm điểm ngắn hạn đã hình thành, trong khi đó xu hướng trung hạn cũng hạ xuống thành đi ngang.
Ngắn hạn sau phiên giảm mạnh chỉ số có thể sẽ có những nhịp hồi phục và vùng kháng cự nhà đầu tư cần lưu ý là vùng 1.200. Chiều giảm điểm nhà đầu tư có thể cân nhắc hỗ trợ tại 1.164 là ngưỡng fibo 38,2% của nhịp tăng từ 1.033 đến nay. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức -5 (TIÊU CỰC). Hệ số P/E của VN-Index hiện tại đang ở mức 17,0x.
Cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu để quản trị rủi ro
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết tuần giảm mạnh với khối lượng gia tăng và lùi về đường MA10 trên khung đồ thị tuần với chỉ báo RSI sụt giảm khá mạnh từ quanh mức 70. Khung đồ thị ngày cũng ghi nhận diễn biến tương tự, và chỉ số nhiều khả năng sẽ có thêm một số phiên biến động mạnh trước khi mặt bằng giá ổn định trở lại, với vùng hỗ trợ gần nhất là 1.130 – 1.150 điểm.
Xu hướng hiện tại của chỉ số đang là tương đối tiêu cực, do đó nhà đầu tư nên cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu một cách dứt khoát để quản trị rủi ro. Mặc dù vậy, nhà đầu tư nên canh những nhịp phục hồi trong phiên để giảm tỷ trọng chứ không cần thiết phải bán bằng mọi giá, đồng thời vẫn có thể chú ý những cổ phiếu đang ở vùng nền giá tích lũy và giá không biến động nhiều trong thời gian vừa qua để tìm kiếm cơ hội giải ngân khi thị trường ổn định trở lại trong thời gian tới.
Khả năng tiếp tục giảm điểm trong các phiên tới
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
VN-Index giảm điểm giằng co trong phiên trước khi lao dốc mạnh về cuối phiên. Áp lực bán hoàn toàn chiếm ưu thế cũng thanh khoản gia tăng đột biến đã khiến cho chỉ số trải qua một nhịp giảm sâu và lùi sát về ngưỡng hỗ trợ xa quanh 117x, tương ứng với MA50.
VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục quán tính giảm điểm trong các phiên tới và lùi xuống ngưỡng hỗ trợ kế tiếp quanh 1.150 nhằm tìm kiếm lực cầu bắt đáy. Nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ mở mua thăm dò một phần tỷ trọng quanh các ngưỡng hỗ trợ đã đề cập.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thương gia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.