Năm 2022 ngành da giày Việt Nam về đích với 27 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, hơn 6,2 tỷ USD về giá trị tuyệt đối so với năm 2021.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 23,932 tỷ USD, tăng 34,8% còn túi xách, vali, ô dù đạt xấp xỉ 4,1 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, từ quý IV/2022 tình hình thị trường chuyển biến xấu, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp thậm chí phải cho lao động luân phiên nghỉ việc.
Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu của ngành sang các khu vực thị trường vẫn tăng trưởng tốt: Mạnh nhất là Nam Mỹ, 11 tháng năm 2022 tăng 50,5% và liên tục tăng tại các khu vực khác như Bắc Mỹ 39,1%, châu Âu 47,5%, châu Á 28,4%, châu Đại Dương 39,4%.
Đặc biệt, xuất khẩu da giày của Việt Nam sang các thị trường có Hiệp định thương mại tự do như khu vực EVFTA, CPTPP, UKVFTA và ASEAN vẫn tăng trưởng mạnh, lần lượt là 50,7%, 46,1%, 41,3% và 64,9%. Chỉ có thị trường EAEU, do vẫn ảnh hưởng xung đột giữa Nga và Ucraina nên không có sự tăng tưởng, thậm chí sụt giảm rất lớn so với cùng kỳ năm trước, âm 64,3%.
Hiện lạm phát toàn cầu, đặc biệt ở Mỹ, EU khiến các đơn hàng của ngành da giày sụt giảm, khó khăn này được dự báo sẽ kéo dài đến quý II/2023. Thực tế này sẽ gây cản trở cho quá trình tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu của ngành.
Trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp, nhu cầu giảm, các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục phân tích thông tin thị trường để lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh linh hoạt với thực tế đơn hàng. Các doanh nghiệp đang hy vọng khó khăn sẽ kéo dài cùng lắm đến giữa năm, để sản xuất, xuất khẩu tiếp tục tăng tốc.
Hiện, Việt Nam là nhà sản xuất giày dép lớn thứ ba ở châu Á, và thứ tư trên thế giới. Sản lượng xuất khẩu giày dép của Việt Nam chỉ đứng sau thị trườngTrung Quốc, hàng năm xuất khẩu hơn 1 tỷ đôi giày các loại sang nhiều thị trường trên thế giới, trong đó nhiều hãng giày lớn như Nike, Adidas cho biết tiếp tục tính toán để mở rộng sản xuất tại Việt Nam.