Ngành da giầy Việt Nam: Không TPP vẫn hội nhập tốt

Triển vọng một TPP không có Mỹ ảnh hưởng đến cơ hội mở rộng xuất khẩu sản phẩm da giầy của Việt Nam đang gây ra một số băn khoăn rằng chúng ta đang mất đi một cơ hội...
Ngành da giầy Việt Nam: Không TPP vẫn hội nhập tốt

Thực tế cho thấy ngành da gầy đã, đang và sẽ tiếp tục đổi mới và phát triển dù chưa có và có thể sẽ không có TPP, do trước hết ngành da giầy Việt Nam có năng lực cạnh tranh khá tốt nhờ sự ổn định kinh tế, chính trị và xã hội, nguồn nhân công đông đảo, giá rẻ và tay nghề cao, đang trong thời kỳ dân số vàng. Việt Nam hiện là nước sản xuất giày và xuất khẩu giầy dép lớn thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) , với kim ngạch chiếm khoảng 10% thị phần toàn cầu.

Sản phẩm da giầy là sản phẩm xuất khẩu chủ lực đứng thứ 4 và chiếm 10% kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Năm 2016, xuất khẩu của da giày - túi xách đạt 16,2 tỉ USD, tăng 8,3 % so với năm 2015; dự đoán năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt gần 18 tỉ USD tăng khaongr 10% so vứi 2016… Đặc biệt, đang có sự cải thiện về cơ cấu sản phẩm, với dòng sản phẩm có giá trị cao chỉ chiếm khoảng 5% trước đây, thì hiện nay đã đạt mức trên dưới 10%.

Hơn nữa, Việt Nam đang có vị thế đáng nể trong xuất khẩu da giầy vào Mỹ. Từ năm 2001 đến nay, dù chịu mức thuế hiện hành trung bình là 14,3%, nhưng xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Hoa Kỳ luôn tăng trung bình 20 - 21%/năm. Năm 2016, Mỹ nhập khẩu giày dép từ Việt Nam chiếm 19 % về trị gia và 16% về số lượng giày dép nhập khẩu hàng năm vào Mỹ. Hãng sản xuất giầy thể thao lớn nhất của Mỹ là Nike có sản lượng giầy sản xuất tại Việt Nam năm 2013 chiếm tới 42% tổng sản lượng của hãng, so với tại Trung Quốc chỉ 30% và 25% tại Indonesia. Nhật Bản chọn Việt Nam làm nơi đặt cơ sở sản xuất, cung cấp hơn 30% tổng sản lượng da giầy hàng năm của mình.

"Ngoài ra, không có TPP, nhưng Việt Nam vẫn có nhiều FTA và môi trường kinh doanh quốc tế thuận lợi khác. Việc ký kết và triển khai các FTA với Hàn Quốc, Liên minh hải quan Nga-Kazaxtan-Belarut, AEC và sắp tới là EU đang và sẽ mở ra những cơ hội xuất khẩu mới cho ngành da giầy Việt Nam, nhất là nhờ giảm nhanh hàng rào thuế quan vào EU từ mức trung bình 12,4% hiện nay về 0-5%, tiếp cận thuận lợi công nghệ và giảm thiểu các chi phí đầu vào. Bản thân sự hình thành AEC kỳ vọng sẽ tạo thêm xung lực mới cho ngành da giầy Việt Nam.

Thực tế cho thấy, dù Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Campuchia   là những nước trong khối ASEAN có ngành công nghiệp da giày phát triển và có sự tương đồng, trong đó Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh về nguồn lao động tay nghề cao, giá nhân công… nên có khả năng mở rộng thị trường khối AEC. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có cơ hội hợp tác với các nước trong khối hợp tác phát triển nguồn nguyên phụ liệu, hình thành chuỗi cung ứng giá trị mới, giúp giảm suất đầu tư, tăng năng lực sản xuất và cung ứng với sản lượng lớn, giảm dần lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và góp phần cạnh tranh giữ vững thị phần tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản.

Ngoài ra, Việt Nam đang tham gia đàm phán vòng đàm phán Hiệp định RCEP (bao gồm 10 nước ASEAN và 6 nước khác là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) ở vòng thứ 15, với nhiều khả năng kết thúc vào vào giữa năm 2017. Dù Hiệp định này có nội dung và mức độ hạn chế hơn so với Hiệp định TPP, nhưng khi hoàn thành và triển khai kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy khối lượng giao dịch thương mại toàn châu Á tăng lên và khuyến khích đầu tư vào các chuỗi cung ứng mới trên cơ sở giảm bớt sự phi lý của các hiệp định thương mại tự do FTA có sẵn trước đây và tăng cường sự hấp dẫn của khu vực như là một cơ sở sản xuất chung.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, trong thời gian qua, cùng với quá trình đàm phán TPP, nhiều xung lực tích cực đã bộc lộ từ sự thay đổi nhận thức của cộng đồng lãnh đạo, công chức, chủ doanh nghiệp, công nhân và người dân nói chung về hội nhập. Kể từ năm 2013, với một quy mô và tốc độ cải cách chưa từng có, Việt Nam đã thông qua hơn 100 dự luật và đang tiếp tục đẩy mạnh việc thông qua 30 dự luật khác, môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt được ghi nhận trong đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế; Hàng loạt các doanh nghiệp và ngành kinh tế công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam như giày dép, thủy sản, đồ gỗ, dệt may... đã và đang tích cực đầu tư, cải cách quản trị, tái cơ cấu…

Đặc biệt, ngành da giầy Việt Nam cũng đã nhận thức được những điểm yếu của mình, nhất là trong phấn đấu tăng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm được sản xuất bởi các doanh nghiệp Việt Nam phải được nâng lên mức trên 50 % để đáp ứng được điều kiện về quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia, giúp giảm các chi phí về logistics và nâng cao sự chủ động của doanh nghiệp Việt. Hiện nay tỷ lệ nội địa hóa của ngành mới chỉ chiếm khoảng 40  %, trong đó chủ yếu gồm hai mặt hàng thứ yếu là đế giày, chỉ khâu và vải cho sản xuất loại giày vải cấp thấp; còn phải nhập khẩu hầu hết các các loại máy móc và nguyên liệu quan trọng nhất để phục vụ sản xuất trong ngành, như vải cao cấp, da nhân tạo.

Trong đó riêng nhập khẩu da thuộc năm 2016 đạt trị giá 1,56  tỷ USD. Trong các chuỗi cung ứng toàn cầu của các thương hiệu sản xuất giày dép lớn trên thế giới như Nike, Adidas… doanh nghiệp Việt ở thế bị động do ở vị thế làm gia công, sản xuất phụ thuộc vào sự chỉ định của nhà nhập khẩu. Nghịch lý là ở chỗ, Việt Nam là cường quốc sản xuất và xuất khẩu da giầy, nhưng các doanh nghiệp nội lại bị lấn sân nhà và cả sân quốc tế. Việt Nam hiện có khoảng 800 doanh nghiệp, trong đó khu vực FDI chiếm 23% về số lượng, nhưng chiếm hơn 80 % kim ngạch xuất khẩu. Thị trường nội địa với quy mô tiêu thụ tới 180 triệu đôi, trị giá 5 tỷ USD /năm, cũng do các doanh nghiệp ngoại nắm giữ tới 60% thị phần (trong đó Trung Quốc khống chế phân khúc hàng giá rẻ, còn các thương hiệu nước ngoài chi phối phân khúc hàng cao cấp).

Thực tế đòi hỏi và cho thấy các doanh nghiệp Việt cần tăng cường chủ động khắc phục tình trạng thiếu vốn, công nghệ, nhân sự cao cấp, năng lực quản trị và năng suất lao động thấp, coi trọng hoạt động bộ phận nghiên cứu, phân tích về môi trường, tiêu chuẩn hóa chất lượng và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, hình thành nên chuỗi liên kết nội địa giữa các nhà sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu trong nước, đáp ứng tốt các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, chất lượng hàng hóa, vệ sinh môi trường, lao động và quy trình công nghệ, không ngừng cải thiện năng lực cạnh tranh cho ngành da giày và túi xách Việt Nam.

Tóm lại, chính sự cộng hưởng tác động tích cực của các thành tựu và tiềm năng, cũng những nỗ lực thay đổi nhận thức, cải cách thể chế và tăng cường đầu tư vĩ mô và vi mô trên đây cho phép nền kinh tế nói chung, ngành da giầy Việt Nam nói riêng đã, đang và sẽ tiếp tục đổi mới, phát triển và hội nhập theo xu hướng chung sâu hơn, bền vững hơn vào nền kinh tế toàn cầu, dù có TPP hay không….

Được sự hỗ trợ của Chương trình Xúc tiến Thương mại trọng điểm Quốc gia năm 2017 của Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại và Hiệp Hội Da giầy - Túi xách Việt Nam (Lefaso) sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Xúc tiến Xuất khẩu ngành Da giày với chủ đề nâng cao năng lực kinh doanh, xuất khẩu cho các DN da giày Việt Nam vào ngày 15/03/2017 tại TP. Hồ Chí Minh.

Đại diện Lefaso cho biết, Hội nghị sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho các DN trong và ngoài nước và toàn ngành nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, thu hút đầu tư mở rộng sản xuất và phát triển xuất khẩu. Thông qua Hội nghị thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác và mở rộng xuất khẩu, chia sẻ thông tin về thuận lợi, khó khăn, cơ hội thách thức nhằm giúp các doanh nghiệp đầu tư sản xuất da giày tại Việt Nam tránh được những rủi ro và tìm được các cơ hội khai thác và mở rộng thị trường, lựa chọn chiến lược phát triển các sản phẩm.

Lefaso cũng mong muốn thông qua Hội nghị quảng bá hình ảnh ngành công nghiệp, giới thiệu tới các đại biểu từ các nước thành viên trong khu vực và trên thế giới tham dự Hội nghị và diễn đàn về tiềm năng xuất khẩu, uy tín của các doanh nghiệp, chất lượng các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam và khả năng đáp ứng những yêu cầu đa dạng phức tạp của các bạn hàng, các nhà nhập khẩu.

 TS. Nguyễn Minh Phong

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…