Xuất khẩu gạo Việt Nam bứt phá, Bộ Công Thương tính toán kế hoạch đảm bảo mục tiêu kép

Kết quả xuất khẩu gạo quý 1/2024 của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số cả về lượng và giá trị. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp để đảm bảo việc kinh doanh xuất khẩu gạo...

Quý1/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng
Quý1/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, hết quý 1/2024, xuất khẩu gạo đạt 2,18 triệu tấn, tăng 17,8% về lượng; trị giá đạt 1,43 tỷ USD, tăng 45,6%. Giá xuất khẩu bình quân 653,9 USD/tấn, tăng 23,6% về giá so với cùng kỳ.

Thị trường chính của xuất khẩu gạo Việt Nam gồm Philippines (hơn 1,01 triệu tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023), Indonesia (hơn 445.000 tấn, tăng 199,7%), Malaysia (gần 99.000 tấn, tăng 28,8%).

Trước những kết quả tích cực như trên, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thực hiện các kế hoạch để đạt mục tiêu kép trong điều hành xuất khẩu gạo là đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, tận dụng tốt các thị trường có FTA.

Cụ thể, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, Bộ Công Thương sẽ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo.

Về hỗ trợ xuất khẩu, tiếp tục triển khai các hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu gạo Việt Nam, các hoạt động xúc tiến thương mại để khai thác hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.

Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các văn phòng xúc tiến thương mại, trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam hỗ trợ thương nhân xuất khẩu gạo thiết lập các kênh phân phối trực tiếp; triển khai các hoạt động quảng bá gạo Việt Nam, đặc biệt là gạo chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao thâm nhập các thị trường khó tính, thị trường ngách.

Đồng thời, chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước theo dõi và cập nhật chính sách, động thái của các nước sản xuất và xuất khẩu gạo. Kịp thời thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hiệu quả.

Hướng dẫn Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu, cập nhật tình hình xuất khẩu gạo và hỗ trợ thương nhân xử lý vướng mắc trong trường hợp cần thiết.

Về cân đối cung cầu, bình ổn giá, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo các địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung, đảm bảo cung cầu, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, góp phần bình ổn giá gạo nói riêng và giá lương thực nói chung, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Đôn đốc Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP. Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát, kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định. Các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường trong nước sẽ bị xử lý nghiêm.

Tại một diễn biến khác, trong báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình xuất khẩu gạo và dự báo xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã trích dẫn dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn.

Bộ Công Thương cho rằng nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), tỷ lệ các quốc gia và khu vực không đảm bảo an ninh lương thực đã chiếm tới 30,4% dân số thế giới. Điều này dẫn đến việc gần 30 quốc gia đã thực hiện siết chặt, hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa.

Bộ Công Thương cho rằng kết quả xuất khẩu gạo đạt được trong quý 1/2024 có dấu hiệu khả quan hơn so với cùng kỳ nhờ tình hình kinh tế vĩ mô của thế giới.

Song song với đó, Việt Nam tiếp tục tích cực đàm phán, trao đổi song phương với các đối tác nhập khẩu về việc xem xét tiến tới ký kết bản ghi nhớ thương mại gạo tạo môi trường ổn định bền vững về thương mại gạo cho doanh nghiệp hai nước.

Việt Nam cũng mở rộng đàm phán, ký kết bản ghi nhớ về thương mại gạo với các thị trường mới. Tuy nhiên, các yếu tố của biến đổi khí hậu như nhiệt độ trung bình tăng cao, thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ, thiên tai… đã gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp nói riêng và canh tác nông nghiệp nói chung trên thế giới.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm