Tạp chí Thương gia vừa nhận được phản ánh từ người tiêu dùng về việc hộ kinh doanh Phan Thị Huyền đang sử dụng nhãn dán OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) trên các sản phẩm của mình, trong đó có nhiều sản phẩm không đạt tiêu chuẩn OCOP.
Cụ thể, theo người tiêu dùng cung cấp hộ kinh doanh của bà Huyền chỉ có 1 sản phẩm đạt chuẩn là thịt trâu gác bếp. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm khác như thịt lợn gác bếp, lạp sườn, ba chỉ hun khói và gia vị chấm lại đang được gắn nhãn OCOP, dù không thuộc danh mục sản phẩm đã được chứng nhận.
Điều này khiến không ít người tiêu dùng đặt câu hỏi về tính minh bạch trong việc quảng bá thương hiệu cũng như sự trung thực của hộ kinh doanh.
Trong vai người tiêu dùng, phóng viên Tạp chí Thương gia đã đặt 1 đơn hàng thịt lợn gác bếp với trọng lượng 500 gram của nhà bà Huyền. Trong quá trình tư vấn, đơn vị này gửi cho phóng viên một số ảnh mẫu sản phẩm thịt lợn gác bếp, trên tem thông tin sản phẩm có hình ảnh chứng nhận OCOP 3 sao.
Khi nhận được đơn hàng, sản phẩm lại không có nhãn mác như phóng viên đặt hàng trước đó (không có nhãn mác, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng). Ngay sau đó, phóng viên đã liên hệ lại với bà Huyền và phản ánh hàng hoá không nhãn mác và thắc mắc về chứng nhận OCOP, bà Huyền xác nhận rằng do nhân viên quên không dán tem mác và nói với khách hàng: “Nếu không yên tâm thì có thể hoàn hàng về”.
Để tìm hiểu thêm thông tin, Tạp chí Thương Gia đã liên hệ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đề nghị cung cấp thêm thông tin về các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện. Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên đã cung cấp cho phóng viên danh sách các chủ thể và sản phẩm được chứng nhận OCOP trên địa bàn huyện được cập nhật mới nhất năm 2024. Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện có 22 chủ thể với 42 sản phẩm OCOP.
Riêng hộ gia đình Phan Thị Huyền trú tại khu 7, thị trấn Than Uyên chỉ có 1 sản phẩm duy nhất được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao được cấp vào năm 2022, tên sản phẩm là “thịt trâu gác bếp Nhà Huyền”.
Về vấn đề này Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, theo phản ánh của phóng viên như trên thì hộ kinh doanh Phan Thị Huyền đã vi phạm trong việc sử dụng nhãn hiệu OCOP theo khoản 1 điều 9 về “Hành vi vi phạm sử dụng nhãn hiệu chứng nhận” tại Quyết định 1162/QĐ-VPĐP-OCOP 2020 ngày 17/9/2020 Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận OCOP của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương.
Cụ thể, bà Huyền đã “gắn nhãn hiệu chứng nhận trên sản phẩm không đáp ứng được các điều kiện của sản phẩm được chứng nhận”. Trong trường hợp này, căn cứ theo Quyết định 1162/QĐ-VPĐP-OCOP 2020 và Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/2/2023 về việc ban hành bộ tiêu chí và quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm thì Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cần ra quyết định đình chỉ sử dụng sản phẩm và đồng thời ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao “thịt trâu gác bếp Nhà Huyền” của hộ kinh doanh Phan Thị Huyền.
Để thị trường không còn hiện tượng sử dụng sai nhãn OCOP và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đạt chuẩn, Luật sư Nguyễn Hồng Hà đề xuất, các cơ quan có thẩm quyền cần tuyên truyền và phổ biến pháp luật về thực hiện tuân thủ các quy định của pháp luật về sử dụng nhãn hiệu OCOP đến các chủ thể sử dụng.
Đồng thời, cơ quan chức năng về đăng ký, cấp phép, quản lý nên tăng cường tổ chức các buổi tập huấn, phổ biến, cấp phát tài liệu tuyên truyền hướng dẫn xây dựng sản phẩm OCOP đến từng các chủ thể.
Cùng với đó, những cơ quan này cần tăng cường thanh kiểm tra và giám sát việc sử dụng sản hiệu OCOP của các chủ thể. Nếu có hành vi vi phạm thì xử phạt kịp thời, răn đe… để các chủ thể ý thức tuân thủ, không vi phạm pháp luật về sử dụng nhãn hiệu OCOP cũng như không có hành vi tái phạm.
Về phía bản thân các chủ thể được công nhận sử dụng nhãn hiệu OCOP, Luật sư Hà cho rằng cũng phải ý thức tuân thủ pháp luật, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm của mình, chất lượng sản phẩm của mình, để khẳng định vị thế sản phẩm của mình đối với người tiêu dùng.
"Bên cạnh đó, chính quyền cũng nên có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho các chủ thể, đặc biệt là các chủ thể ở các vùng sâu vùng xa, hải đảo… Nơi các khâu quảng cáo thương hiệu còn yếu kém, mọi người không biết nhiều đến sản phẩm của các chủ thể này bằng cách tổ chức các cuộc triễn lãm, hội chợ tiêu dùng… để người tiêu dùng được biết rộng rãi đến sản phẩm của các chủ thể", ông Hà nêu quan điểm.
Xác định việc phát triển sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, những năm qua tỉnh Lai Châu đã có nhiều chính sách hỗ trợ các cá nhân, tổ chức xây dựng sản phẩm.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 215 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao, đa số là các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống của địa phương, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác theo xu hướng thị trường tiêu dùng và theo quy định. Riêng ở huyện Than Uyên có 42 sản phẩm OCOP.