Xuất nhập khẩu Kiên Giang báo lãi quý 2 tăng gấp 2,3 lần dù các chi phí đều tăng

Trong quý 2/2023, Xuất nhập khẩu Kiên Giang ghi nhận doanh thu thuần và lãi sau thuế lần lượt tăng 77% và 130% so với cùng kỳ, nhưng hàng tồn kho lại phình to vượt mức ngàn tỷ đồng.

Theo Báo cáo tài chính quý 2/2023 vừa được Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Kiên Giang (mã chứng khoán: KGM) công bố, doanh nghiệp này chứng kiến quý kinh doanh đầy khởi sắc.

Theo đó, Xuất nhập khẩu Kiên Giang ghi nhận gần 2.244 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 77% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng có mức tăng chậm đã giúp lãi gộp vọt lên gấp 3 lần đạt 264 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 6,7% lên 11,8%.

Đáng chú ý, trong kỳ doanh thu hoạt động tài chính tăng 56% đạt 14 tỷ đồng nhưng ngược lại chi phí tài chính cũng tăng 35% trong đó chủ yếu là lãi vay. Không những vậy, một loạt các chi phí khác cũng đều tăng. Trong đó, chi phí bán hàng tăng cao ngất ngưởng lên mức 226 tỷ đồng (gấp 4 lần cùng kỳ), chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 54%, chi phi khác tăng gấp 12 lần.

Mặc dù vậy, kết thúc quý 2, Xuất nhập khẩu Kiên Giang vẫn báo lãi sau thuế 5,4 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ.

Phía Xuất nhập khẩu Kiên Giang giải trình việc lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tới từ việc Công ty tập trung giao các lô hàng lớn trong quý 2/2023. Sản lượng bán ra ngành hàng lương thực là 166.575 tấn, đạt 66,63% kế hoạch và tăng 65,49% so cùng kỳ, trong đó bán xuất khẩu tăng 103,46% so cùng kỳ.

Ngành cá cơm bán ra 64,52 tấn, đạt 23,04% so kế hoạch và bằng 90,42% so cùng kỳ. Ngành hàng xăng dầu bán ra 5.592 triệu lít, đạt 22,96 % so kế hoạch và bằng 75,28% so cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Xuất nhập khẩu Kiên Giang ghi nhận hơn 2.769 tỷ đồng doanh thu và 7 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 45% và 95% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Công ty thực hiện gần 78% kế hoạch về doanh thu và 65% mục tiêu lợi nhuận.

Tại thời điểm cuối quý 2/2023, tổng tài sản của Xuất nhập khẩu Kiên Giang ở mức gần 1.915 tỷ đồng, tăng mạnh 90% so với đầu năm. Mức tăng này chủ yếu do hàng tồn kho phình to từ 195 tỷ đồng lên 1.046 tỷ đồng (dự phòng xấp xỉ 26 tỷ đồng). Bên cạnh đó, ghi nhận sự tăng vọt khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng lên 418 tỷ đồng (gấp 5 lần đầu năm). Lượng tiền và các khoản tương đương tiền giảm 70% còn khoảng 142 tỷ đồng.

Nợ phải trả 1.648 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần so với đầu năm, trong đó chiếm 99% là nợ ngắn hạn. Biến động từ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng tới 150% lên gần 1.541 tỷ đồng, gồm các khoản vay lớn như BIDV chi nhánh Phú Quốc (hơn 600 tỷ đồng), Vietcombank chi nhánh Kiên Giang (hơn 226 tỷ đồng),…

Trước đó, trong quý 1/2023, KGM cũng báo lãi sau thuế tăng 78% so với cùng kỳ, đạt 2,3 tỷ đồng.

Xuất nhập khẩu Kiên Giang
Diễn biến giá cổ phiếu KGM trong thời gian qua

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu KGM đang giao dịch quanh vùng giá 9.800 đồng/cổ phiếu tại cuối phiên sáng 19/7. So với giá đáy hồi tháng 5 thì thị giá KGM đã hồi phục gấp đôi, tuy nhiên ghi nhận rất nhiều phiên tắt thanh khoản.

Có thể bạn quan tâm