Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam, Thành ủy Hà Nội, Tỉnh ủy Nghệ An, Tỉnh ủy Tuyên Quang, Thành ủy TP.HCM và Tỉnh ủy Đồng Tháp phối hợp tổ chức.
Đây là chương trình trọng điểm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng và ông Trần Quốc Vượng - thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng - đã tới dự tại các điểm cầu.
Cầu truyền hình diễn ra tại 5 điểm cầu, là các địa điểm mang dấu ấn lịch sử và có mối liên hệ đặc biệt với thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác, gồm: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội); Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nghệ An); Bến Nhà Rồng (thành phố Hồ Chí Minh); Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang); Công viên Văn Miếu - thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Cầu truyền hình “Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam” được thực hiện với mục đích giáo dục truyền thống, ôn lại những câu chuyện về hành trình cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó rút ra những bài học sâu sắc, ý nghĩa trong thời đại hôm nay, cho lớp trẻ trong tương lai. Chương trình được thực hiện vào năm 2020 - năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tạo tinh thần phấn chấn, hồ hởi cho đông đảo đảng viên, quần chúng nhân dân.
Cầu truyền hình “Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam” gồm 5 chương: “Người trai chí lớn”, “Đi tìm mùa Xuân độc lập”, “Một nhà thống nhất”, “Âm thanh ngày mới” và “Rạng rỡ Việt Nam”. Trong đó, từ khóa “ý chí” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chương trình. Đó là ý chí của một cá nhân nhưng đã thấm nhuần tinh hoa văn hóa dân tộc và dám đột phá vượt lên những quan niệm thông thường, là ý chí của một anh hùng dám dấn thân bước ra thế giới rộng lớn tìm “đường sáng” cho dân tộc ở tuổi đôi mươi. Ý chí đó phải kiên định, vững vàng như thế nào để từ một thanh niên yêu nước trở thành một lãnh tụ cách mạng, đã vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại, thậm chí cả hiểm cảnh để đưa con thuyền cách mạng Việt Nam cập bến thành công.
Tại các điểm cầu, các đại biểu và khán giả được xem những thước phim tư liệu lịch sử, cùng phần giao lưu trực tiếp với các học giả, nhân chứng trong và ngoài nước, mang ý nghĩa sâu sắc nhằm ôn lại những câu chuyện về hành trình cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, mỗi người thêm cảm phục về ý chí của Bác. Đó là ý chí của một anh hùng giải phóng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới. Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Với ý chí sắt đá, Người đã vượt qua biết bao khó khăn, trở lực, cam go từ những năm tháng ra đi tìm đường cứu nước và trong cả sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đặc biệt, các đại biểu khán giả được xem những tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu, hấp dẫn từ 5 điểm cầu, trong đó có các tiết mục đặc sắc. Đan xen giữa các tiết mục văn nghệ là những phóng sự khẳng định ý chí của Bác, ý chí của dân tộc Việt Nam đã trở thành nguồn sức mạnh phi thường trong suốt chiều dài lịch sử và cho đến hôm nay. Tiêu biểu gần đây nhất là ý chí đoàn kết trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, suốt những tháng đầu năm 2020, khi Việt Nam cùng với các quốc gia khác bước vào cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Cũng trong chương trình, nhiều ý kiến của đông đảo đồng bào cả nước, các tầng lớp nhân dân, chiến sĩ, doanh nhân, cùng các khách mời quốc tế đã bày tỏ tình cảm với Bác và về niềm tin tưởng vào tương lai của Việt Nam, vào sự lãnh đạo của Đảng, dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, ý chí Hồ Chí Minh.