Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Đại học Quốc gia Hà Nội phải là đại học “5 trong 1” gồm: (1) Trung tâm đào tạo tài năng; (2) Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại; (3) Trung tâm đổi mới sáng tạo ngang tầm quốc gia và quốc tế; (4) Đô thị đại học thông minh, hiện đại; (5) Trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu này, Khu đô thị ĐHQGHN đã thành lập Ban Xúc tiến đầu tư là đơn vị đầu mối về công tác xúc tiến đầu tư của ĐHQGHN. ĐHQGHN cũng thành lập và tái cấu trúc một số đơn vị nhằm tạo thuận lợi trong đánh giá nhu cầu của gdoanh nghiệp để thu hút đầu tư, …
Song song với đó, để huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ cho mục tiêu trên, ĐHQGHN cũng tiên phong trong thu hút hợp tác dựa trên cộng đồng, xã hội và doanh nghiệp, các nhà đầu tư thí điểm triển khai hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực giáo dục.
Cụ thể, hiện nay, ĐHQGHN đang kêu gọi các nhà đầu tư có tâm huyết với ngành giáo dục đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị hạ tầng trong Khu đô thị Đại học Quốc gia.
Hiện Khu đô thị ĐHQGHN bên cạnh các tổ hợp để đầu tư xây dựng các hạng mục giáo dục đào tạo và nghiên cứu thì còn khoảng 1/2 diện tích để dành cho các công trình hợp tác công tư và thu hút nguồn lực như Trung tâm hội nghị hội thảo lớn trong nước và quốc tế; khu tổ hợp thương mại dịch vụ; khu ký túc xá sinh viên; khu trung tâm thể dục thể thao; bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, để trở thành một Đại học đổi mới sáng tạo, không những cần cơ sở vật chất, mà cần hơn nữa đó là sự kiên kết giữa Đại học và Doanh nghiệp.
“Hội nghị xúc tiến đầu tư này, trước là kêu gọi đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhưng quan trọng là kêu gọi đầu tư vào khoa học, công nghệ”, Phó Giám đốc ĐHQG Phạm Bảo Sơn nói.
Lý giải rõ hơn, ông Sơn cho biết, mục tiêu của xúc tiến đầu tư là giúp ĐHQGHN trở thành đơn vị đầu mối để hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến, phát triển các hoạt động kinh doanh, đặc biệt các hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cần sự tham gia của nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước cũng như cần có sự tham gia của các nhà khoa học.
Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, các đề tài khoa học luôn có độ trễ nhất định khi đưa vào ứng dụng thực tiễn. Ví dụ như Nhật Bản nghiên cứu vi mạch từ vài chục năm trước khi được ứng dụng vào sản xuất vi mạch….
“Khi chúng ta muốn giảm độ trễ này, thì cần phải có sự liên kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp. Tức là doanh nghiệp đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu, thì kết quả sẽ được doanh nghiệp sử dụng ngay, rút gọn được độ trễ”, ông Tùng nói.
Nhưng trước nay giữa doanh nghiệp và nhà khoa học vẫn có những xa cách, và Hội nghị lần này là một cơ hội để kéo gần giữa 2 bên.
Đây là lần đầu tiên Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Dự kiến Hội nghị này sẽ diễn ra thường niên để mở ra những cơ hội hợp tác bền vững, lâu dài của doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ, TS. Phạm Bảo Sơn cho biết.
Trong khuôn khổ chương trình xúc tiến đầu tư lần này, ĐHQGHN đã ký kết 25 biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác.