400 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng bỗng dưng "mất tích", OceanBank nói gì?

Ngày 6/9/2018, nhóm khách hàng có 400 tỷ đồng tiền gửi bị mất tại OceanBank chi nhánh Hải Phòng đã có đơn kiến nghị yêu cầu trả lại tiền tiết kiệm của họ. Đơn của nhóm khách hàng được gửi đến NHNN, và
400 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng bỗng dưng "mất tích", OceanBank nói gì?

Một văn phòng giao dịch của OceanBank (Ảnh minh hoạ)

Trước đó, tháng 8/2017, nhóm khách hàng mang sổ tiết kiệm đến chi nhánh OceanBank Hải Phòng để rút tiền. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, chi nhánh OceanBank Hải Phòng thông báo từ chối trả tiền cho khách hàng, vì lý do tiền… không có trên hệ thống.

Ngân hàng ghi nhận các giao dịch của khách hàng đều diễn ra ở duy nhất một địa điểm là ngân hàng OceanBank chi nhánh Hải Phòng.

Đồng thời, mỗi khi đến ngân hàng làm thủ tục mở sổ, tất toán, mở sổ mới, lĩnh lãi, 20 khách hàng đều được nhân viên ngân hàng hướng dẫn làm thủ tục theo quy định.

"Theo đó, toàn bộ các sổ, thẻ tiết kiệm các khách hàng được nhận đều có chữ ký và con dấu của ngân hàng. Theo sổ phụ tài khoản gửi tiết kiệm và sao kê tiết kiệm đều thể hiện rõ dòng tiền giao dịch thực tế của các khách hàng. Từ tháng 8/2017 đến nay, OceanBank chi nhánh Hải Phòng đều ghi nhận thực tế “Số các sổ tiết kiệm có tồn tại trên hệ thống”.

Nhưng, OceanBank chi nhánh Hải Phòng cho biết, các thông tin khác của các sổ tiết kiệm này, bao gồm tên người gửi, số tiền gửi  không khớp với thông tin trên hệ thống corebanking của ngân hàng”.

Và đây là lý do OceanBank chi nhánh Hải Phòng từ chối chưa trả lại tiền tiết kiệm cùng lãi đi kèm, với tổng số hơn 400 tỷ đồng, cho 20 khách hàng đã gửi tiền tại OceanBank.

Hiện, toàn bộ các sổ tiết kiệm của khách hành vẫn được bảo quản y nguyên hiện trạng như lúc được OceanBank Hải Phòng cấp phát.

Qua điều tra, các cán bộ ngân hàng có sai phạm là Trần Thị Kim Chi, Lê Vương Hoàng và Nguyễn Thị Kim Huệ đã bị bắt và khởi tố với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tuy nhiên, đã hơn 1 năm trôi qua, các khách hàng vẫn chưa được phía OceanBank trả lại tiền đã bị các cán bộ của ngân hàng chiếm dụng.

Trong vụ việc này, chi tiết có giá trị quyết định, là việc OceanBank chi nhánh Hải Phòng xác nhận “Số các sổ tiết kiệm có tồn tại trên hệ thống”.

Đồng thời, thủ tục nộp tiền tiết kiệm của khách hàng đã hoàn thành tại OceanBank.

Nói cách khác, giữa ngân hàng và khách hàng đã hoàn thành giao dịch gửi và nhận tiền, thể hiện bằng các chứng chỉ gửi tiền do ngân hàng phát ra, số sổ tiết kiệm được ngân hàng công nhận và lưu trữ, thống kê trên hệ thống của ngân hàng.

Việc các cán bộ sau khi nhận tiền không nhập tiền, nhập tên khách hàng vào hệ thống của OceanBank là những sai phạm trong nội bộ của ngân hàng, không do khách hàng gây ra.

Nói cách khác, các cán bộ của OceanBank đã lợi dụng chính kẽ hở trong quản lý của ngân hàng để chiếm dụng tiền. Và thực tế, ngân hàng mới là người bị lừa đảo mất tiền, chứ không phải các khách hàng.

Cần nhấn mạnh, số các sổ tiết kiệm đã được ghi nhận trên hệ thống của OceanBank, nhưng các cán bộ đã nhập tên người khác, số dư khác… tức là đánh lừa hệ thống của ngân hàng để trục lợi tiền gửi.

Đó, rõ ràng là kẽ hở trong hệ thống của OceanBank, chứ không phải là sự dễ dãi của khách hàng dẫn tới bị lừa đảo. Với kẽ hở ấy, tai nạn mất tiền có thể xảy ra với bất kỳ khách hàng nào, tại chi nhánh bất kỳ của OceanBank.

Trả lời những kiến nghị đòi hơn 400 tỷ đồng tiền tiết kiệm của các khách hàng, phía OceanBank khẳng định không chối bỏ trách nhiệm của ngân hàng. Tuy nhiên, do vụ việc có yếu tố lừa đảo, nên phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Và, để xác định các thông tin trên hệ thống và trên sổ tiết kiệm là thật hay giả, cần phải có thời gian, có hồ sơ chứng từ kèm theo.

Do đó, cơ quan điều tra đã yêu cầu khách hàng giao nộp sổ, yêu cầu ngân hàng tạm dừng giao dịch với các khách hàng. Phía OceanBank đánh giá yêu cầu này của cơ quan điều tra “là phù hợp”. Đồng thời, phân trần thêm là ngân hàng chỉ có chức năng phối hợp, chứ không có quyền tác động đến quá trình điều tra.

Về cam kết, phía OceanBank “hứa”, bất cứ khi nào có kết luận của cơ quan điều tra, ngân hàng “sẽ ngay lập tức giải quyết quyền lợi cho khách hàng”.

Thực ra, đó là một lời hứa “câu giờ”, hơn là một cam kết có tính xây dựng, vì quyền lợi khách hàng và giữ gìn uy tín của ngân hàng.

Vì như đã nói, sự lừa đảo - nếu có lừa đảo - thì đã xảy ra ở khâu nộp tiền vào hệ thống của OceanBank, chứ không ở khâu tiếp nhận tiền của khách hàng. Chuyện nội bộ của OceanBank, sao lại bắt khách hàng chịu thiệt ?

Có thể bạn quan tâm