Ai đang "tọa sơn quan hổ đấu" ở Eximbank?

Cuộc đua giành quyền lực ở Eximbank vẫn chưa ngã ngũ thì mới đây, nguyên phó chủ tịch của ngân hàng này bất ngờ "tố" tội, yêu cầu bãi nhiệm HĐQT đương nhiệm. Khi các nhóm CĐ lớn xung đột gay gắt, nhóm
Ai đang "tọa sơn quan hổ đấu" ở Eximbank?

Hơn một năm trước, các nhóm cổ đông sở hữu 10% cổ phần ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB) đều chạy đua quyết liệt vào HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020. Song danh sách ứng viên mới và cũ lại chưa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê chuẩn nên việc bầu HĐQT phải gác lại tới ba lần. Sự phân chia nội bộ Eximbank bắt đầu căng thẳng từ cuộc thanh tra đột xuất của NHNN vào tháng 5/2015.

Quyền lực thuộc về kẻ mạnh!
Nửa năm sau, cuộc họp ĐHCĐ bất thường năm 2015 diễn ra trong nỗ lực kiện toàn bộ máy điều hành của Eximbank ổn định tình hình, khôi phục hoạt động kinh doanh đang bết bát, thua lỗ… Đồng thời, triển khai khắc phục những sai phạm, kiến nghị của Thanh tra NHNN trước đó. Từ đây, cuộc đua quyền lực ở Eximbank lại càng khốc liệt hơn với những pha "rượt đuổi" tỷ số của những nhóm cổ đông lớn.
Tại ĐHCĐ bất thường vào tháng 12/2015, có 8 ứng viên lọt vào danh sách bầu cử làm thành viên HĐQT Eximbank bao gồm: ông Cao Xuân Ninh (đại diện nhóm cổ đông nắm 11,287% cổ phần) đến từ NHNN chi nhánh Tp.HCM, ông Lê Văn Quyết (không có cổ phần sở hữu cá nhân, tổ chức nào) và từng là Giám đốc Vietcombank Biên Hoà.
Ông Ngô Thanh Tùng được đề cử bởi 5 cổ đông tổ chức (nắm 9,127%) và hai cổ đông cá nhân (nắm 1,067%), có kinh nghiệm trong ngành luật. HĐQT cũ khi ấy đề cử ba ứng viên đều không sở hữu cổ phiếu EIB là ông Đặng Anh Mai-thành viên HĐQT cũ, ông Nguyễn Quang Thông - Phó chủ tịch HĐQT và thành viên Ban kiểm soát, ông Hoàng Tuấn Khải…
Hai nhóm cổ đông nước ngoài Sumitomo Mitsui đề cử ông Naoki Nishizawa đại diện 10,05% vốn tại Eximbank, ông Yasuhiro Saitoh do 3 cổ đông tổ chức đề cử với tỷ lệ cổ phần 10,05%. Ngoài ra, ông Lê Minh Quốc được đề cử làm thành viên HĐQT độc lập.
Điều bất ngờ là hai đại diện của nhóm cổ đông nắm trên 20% vốn là ông Trần Ngô Phúc Vũ và Trần Ngọc Tâm đã bị loại khỏi danh sách đề cử vào phút chót. Đây từng là hai lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng NamABank, được đồn đoán là sẽ "dọn đường" cho cuộc sáp nhập vào Eximbank…

Khi các nhóm cổ đông cũ mải mê "khẩu chiến" thì nhóm cổ đông mới có thể sẽ trúng cử vào HĐQT

Kế hoạch sáp nhập dường như "đổ bể" khi hai ứng viên bị loại khỏi cuộc chơi. Sau cuộc họp căng thẳng kéo dài cả ngày, ĐHCĐ mới bầu được nhân sự mới, trong đó, có 8 ứng viên đều trúng cử vào HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 với tỷ lệ tán thành đạt trên 65%.
Riêng trường hợp ông Lê Minh Quốc, lúc đầu tỷ lệ bầu cử chỉ đạt hơn 46%, nhưng sau đó bỏ phiếu lại thì đạt 58,11%, trúng cử làm thành viên HĐQT độc lập. Phía hậu trường đã xuất hiện thông tin cổ đông "tố" gian lận trong bỏ phiếu này. Và ông Lê Minh Quốc lại được tín nhiệm bầu giữ vị trí chủ tịch HĐQT Eximbank, còn ông Lê Văn Quyết được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc vào tháng 3/2016.
Nhóm NamABank sẽ thắng?
HĐQT chưa ổn định được bao lâu thì tháng 4/2016, ông Cao Xuân Ninh bất ngờ xin từ nhiệm, để lại một ghế trống. Sóng gió lại nổi lên khi tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên diễn ra ngày 24/5/2016 lần đầu tiên xảy ra "khẩu chiến" giữa các nhóm cổ đông đòi miễn nhiệm toàn bộ HĐQT đương nhiệm… Ban chủ tọa đại hội đã không thể kiểm soát tình hình.
Cuộc họp phải tạm hoãn lại vì hết giờ thuê hội trường, chờ họp tiếp vào ĐHCĐ bất thường vào 2/8 tới. Mới đây, một nhóm cổ đông sở hữu hơn 11% vốn đã yêu cầu triệu tập ĐHCĐ để miễn nhiệm các thành viên HĐQT.
Ông Đặng Phước Dừa - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank cũ và là cổ đông lớn – cũng lên tiếng yêu cầu miễn nhiệm HĐQT đương nhiệm vì lý do hoạt động không hiệu quả.
Được biết, ông Đặng Phước Dừa mới gia nhập Eximbank từ tháng 4/2014. Hiện ông Dừa đại diện cho nhóm cổ đông năm 10,3% cổ phần, lọt vào danh sách ứng cử bầu bổ sung vào HĐQT cùng với 5 cái tên mới, gồm: ông Nguyễn Trung Kiên; ông Pierre Erik Theron; bà Nguyễn Thị Xuân Loan; ông Diệp Quang Nhân; bà Ngô Thu Thúy.
Theo dự kiến nhân sự HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 là 9 người và 11 người, thì ĐHCĐ bất thường sắp tới sẽ cần bầu thêm 1-3 thành viên, hứa hẹn màn rượt đuổi tỷ số gay cấn. Nếu ĐHCĐ bất thường chỉ thông qua số lượng 9 thành viên HĐQT, chỉ còn lại 1 ghế hiếm hoi cho người có tỷ lệ phiếu bầu cao nhất. Cũng có thể xảy ra tình huống là các ứng viên có tỷ lệ phiếu bầu bằng nhau, hoặc tỷ lệ phiếu bầu dưới mức 50%, thì cuộc bầu cử còn mệt mỏi hơn.
Hiện tại, Eximbank có số lượng cổ đông lớn, độ phân tán rộng nên cũng khó cho các ứng viên đạt được tỷ lệ nhất trí tối đa. Hơn nữa, các nhóm cổ đông lớn đều đại diện, hoặc sở hữu tỷ lệ cổ phần ngang cơ thì phần thắng sẽ nghiêng về phe có ảnh hưởng lớn hơn. Giữa lúc các nhóm cổ đông cũ "khẩu chiến", nhóm cổ đông đến từ NamABank vẫn kiên trì đeo đuổi mục tiêu đưa người vào HĐQT với đại diện mới là bà Nguyễn Thị Xuân Loan.
Với sở hữu hơn 20% vốn Eximbank, có lẽ bà Xuân Loan đang có lợi thế hơn hẳn các ứng viên khác. Nếu nhận được sự ủng hộ của hai nhóm cổ đông nước ngoài và Vietcombank (21%), bà Loan có thể đạt được hơn 41% cổ phần, cầm chắc phần thắng nếu ĐHCĐ bất thường 2/8 triệu tập thành công. Song kịch bản này cũng có thể "đảo chiều" vào phút thứ 89!

Thu Hằng/TBKD 

Có thể bạn quan tâm