Bất động sản “xoay” vốn từ chứng khoán

Thị trường chứng khoán đã tăng trưởng kinh ngạc khi VN-Index lập kỷ lục 762 điểm hôm 16/6, tăng 54 điểm (+7,63%) so với mức thấp nhất 708 điểm hồi tháng 4. Các doanh nghiệp bất động sản đã không bỏ qu
Bất động sản “xoay” vốn từ chứng khoán

Khi ngân hàng “quay lưng” thì các doanh nghiệp ồ ạt tìm cách huy động vốn trên thị trường chứng khoán

Chia cổ phiếu thưởng “hậu hĩnh”

CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hoà Bình (mã: HBC) đã nhận được 8 gói thầu thi công nhiều dự án lớn với tổng giá trị 1.800 tỷ đồng. Trong đó, có gói thầu xây dựng công trình và lắp đặt thiết bị (giai đoạn 2) dự án Mở rộng nhà ga quốc tế T2- Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với giá trị 475 tỷ đồng. Hay gói thầu thi công khối condotel của dự án Sonasea Condotel & Villas tại Phú Quốc với giá trị 337 tỷ đồng…

Bên cạnh vốn vay ngân hàng và vốn tự có, Hoà Bình đang đẩy mạnh hút vốn từ kênh chứng khoán. Theo đó, công ty dự kiến trong quý 2/2017 sẽ phát hành thêm 33,4 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2016 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 35% (cổ đông còn được 10% cổ tức tiền mặt). Thay vì chia cổ tức tiền mặt, công ty sẽ giữ lại được hơn 334 tỷ đồng để phục vụ đầu tư, tiết giảm chi phí vay nợ.

Với diễn biến giá cổ phiếu HBC thời gian qua tăng rất mạnh 121%, lên mức hiện tại 62.000 đồng/CP thì việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ có lợi hơn cho cổ đông. Lợi ích lớn với HBC là tăng quy mô vốn, giá trị doanh nghiệp, tạo kênh hút vốn nhanh chóng mà không tốn kém chi phí đi vay. Bởi HBC đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay khiến cho chi phí tài chính tăng cao, lợi nhuận “mỏng” đi. Đến cuối quý 1/2017, HBC có hơn 3.817 tỷ đồng nợ vay (chủ yếu là nợ vay ngắn hạn 3.430 tỷ đồng), tăng 660 tỷ đồng so với đầu năm và tốn 50 tỷ đồng lãi vay trong kỳ.

Thị trường chứng khoán khởi sắc đã giúp cho nhiều doanh nghiệp bất động sản tự tin đẩy mạnh kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ. Với nguồn thặng dư vốn cổ phần lớn, CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã: TDH) vừa chốt lịch để chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 15% cho cổ đông hiện hữu, tương ứng gần 10,65 triệu cổ phiếu phát hành thêm. Hai tháng qua, cổ phiếu TDH đã tăng rất mạnh từ mức 11.000 đồng/CP lên tới 16.000 đồng/CP (tăng trưởng 45,5%). Quý 1/2017, TDH ghi nhận doanh thu thuần gần 244 tỷ đồng, tăng 86,5% so cùng kỳ năm trước và lãi ròng của công ty mẹ đạt 41,4 tỷ đồng, tăng 219%. Do đó, cổ đông TDH rất hoan hỉ khi được công ty làm ăn lãi lớn, chia thưởng cổ phiếu “hậu hĩnh”…

Vốn điều lệ chỉ 109 tỷ đồng, CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã: PHC) sẽ phải phát hành thêm 10 triệu cổ phiếu để thực hiện các dự án lớn vừa trúng thầu, như: toà chung cư CT1 dự án Gamuda Garden (giá trị 1.300 tỷ đồng), dự án chung cư cao cấp The Legend (Hà Nội)…  

Sau thời gian dài nằm ở vùng đáy 3.000 đồng/CP, trong năm 2015-2016 giá cổ phiếu PHC hồi phục tích cực lên mức 7.000-9.000 đồng/CP. Chỉ trong 6 tháng qua, PHC đã “phi” một mạch từ mức 9.000 đồng/CP lên mức 20.600 đồng/CP, tức tăng tới 122%. Nhưng đợt chào bán này, PHC chỉ đưa ra giá phát hành là 10.000 đồng/CP để hấp dẫn nhà đầu tư.

Thị trường đang đồn đoán về khả năng cổ phiếu PHC bị “thổi” giá quá cao nhằm “dọn đường” cho đợt phát hành thêm 90% tới đây? Khi phần lớn tiền bán cổ phiếu khoảng 70 tỷ đồng được dùng để trả nợ vay ngân hàng BIDV- chi nhánh Đông Đô, còn lại 30 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động.

Kênh hút vốn an toàn

Cách huy động vốn hiệu quả từ thị trường chứng khoán đã được CTCP Tập đoàn C.E.O (mã: CEO) vận dụng linh hoạt trong 5 năm qua. Từ mức vốn hơn 300 tỷ đồng (năm 2011), CEO đã nâng vốn điều lệ gấp 3 lần, lên mức 1.029 tỷ đồng vào đầu năm 2016 thông qua phát hành cổ phiếu. Nguồn vốn tăng thêm được CEO đầu tư và đem lại hiệu quả tích cực ở các dự án lớn như: Sonasea Residence và khu nghỉ dưỡng Phú Quốc, dự án River Silk city… Đặc biệt, năm 2016, công ty đã M&A thành công doanh nghiệp sở hữu 150ha đất bãi biển nâng tổng quỹ đất tại Phú Quốc lên 450ha.

Ngày 12/6/2017, CEO đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện chào bán thêm 51,46 triệu cổ phiếu (tỷ lệ thực hiện quyền mua là 50%), nhằm tăng vốn thêm 514,6 tỷ đồng. Đợt phát hành này được thực hiện trong bối cảnh CEO tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh quý 1/2017 khả quan, với tổng doanh thu 353,4 tỷ đồng, tăng tới 42,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 69 tỷ đồng, tăng trưởng 40%.

Hơn nữa, Phú Quốc đang được xây dựng quy hoạch trở thành 1 trong 3 đặc khu kinh tế của Việt Nam thì các dự án nghỉ dưỡng của CEO tại đảo ngọc sẽ có triển vọng dài hạn. Nhờ đó, giá trị cổ phiếu CEO cũng tăng trưởng tích cực và bền vững hơn.

Theo các chuyên gia, việc huy động vốn từ kênh chứng khoán là giải pháp “vẹn cả đôi đường” cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và ngân hàng. Thực tế lâu nay, các chủ đầu tư dự án đã bị phụ thuộc quá lớn vào nguồn tín dụng ngân hàng, gây ra nợ xấu rất lớn khiến cho dòng tiền bị “tắc nghẽn” quá lâu. Chủ nợ đau đầu, còn con nợ cũng khổ sở xoay vốn thất bại khiến dự án chậm tiến độ, dừng thi công… gây ra nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế. “

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội HoREA, các doanh nghiệp đang chịu áp lực rất lớn về dòng vốn sau khi ngân hàng siết chặt tín dụng. Thông tư 06/2016/TT-NHNN quy định, kể từ tháng 1/2017, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn đối với các ngân hàng thương mại giảm từ 60% xuống 50%. Hệ số rủi ro với các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200%. Điều này tạo áp lực khiến các doanh nghiệp địa ốc phải chạy đua tăng vốn điều lệ.

Tuy nhiên, “chỉ có những doanh nghiệp bất động sản uy tín, kinh doanh hiệu quả và dòng tiền chắc chắn mới có khả năng huy động vốn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Dòng tiền thông minh hay vốn ngoại đều cân nhắc lựa chọn những cổ phiếu tốt để đầu tư lâu dài”, một chuyên gia nhận định.

>> Vì sao cổ phiếu Coteccons sinh lời "khủng"?

Có thể bạn quan tâm