Cần cơ chế giám sát hoán đổi nợ xấu thành cổ phần

Nếu cơ chế hoán đổi nợ xấu thành cổ phần được thông qua, hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu sẽ được “dọn dẹp” khỏi sổ sách ngân sách. Điều băn khoăn là quá trình lựa chọn khoản nợ nào, tiêu chí, định giá
Cần cơ chế giám sát hoán đổi nợ xấu thành cổ phần

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến về cơ chế hoán đổi nợ thành cổ phần trong dự thảo Thông tư Quy định điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên, chỉ được phép hoán đổi lnợ xấu nhóm 5 hoặc nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro… thành cổ phần góp vốn vào doanh nghiệp.  

“Cửa hẹp” cho nợ xấu mất vốn

Thực ra, vấn đề hoán đổi nợ thành cổ phần không mới, mà được đề xuất từ cuối năm 2014 khi một số ngân hàng như Vietinbank, VPbank, SHB muốn đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu cho các khách hàng lớn. Đơn cử, xin hoán đổi nợ thành cổ phần của các cảng biển thuộc Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) để giảm bớt nợ xấu của doanh nghiệp này.

NHNN đã đồng ý chủ trương để Vietinbank tham gia làm cổ đông chiến lược khi cổ phần hoá các cảng biển thuộc Vinalines, mà mục tiêu là chuyển đổi nợ thành cổ phần vốn góp của doanh nghiệp. Khi ấy, Vietinbank đã nhắm tới hai cảng biển tiềm năng là cảng Hải Phòng và cảng Đà Nẵng nhằm xử lý “dọn dẹp” một phần khối nợ rất lớn (hơn 5.000 tỷ đồng) của Vinalines tại nhà băng này.

Phía NHNN cho rằng, cách hoán đổi nợ như vậy vừa giúp xử lý nợ xấu cho các ngân hàng, vừa giúp Vinalines và các công ty thành viên giảm bớt khó khăn. Song một vướng mắc lớn là pháp luật chưa hề có quy định nào về hình thức chuyển đổi nợ xấu thành cổ phần doanh nghiệp.

Hơn nữa, các ngân hàng cũng đang chịu giới hạn về tỷ lệ góp vốn ngoài ngành tối đa là 11% vốn điều lệ doanh nghiệp. Đây là những rào cản, vướng mắc mà phía các TCTD và NHNN đã đề xuất, trình xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, nhằm sớm luật hoá cơ chế, hình thức hoán đổi nợ thành cổ phần.

Đến nay, khi đề xuất cơ chế hoán đổi nợ vào dự thảo Thông tư về việc góp vốn, mua cổ phần của TCTD, NHNN cũng giới hạn phạm vi áp dụng là với nợ xấu thuộc nhóm 5 hoặc nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro. Nếu cơ chế này được thông qua, khối nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng hiện lên tới hơn 200 nghìn tỷ đồng có cơ hội “phá băng” nhanh chóng. Tuy nhiên, đề xuất này hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Một số ý kiến phản đối vì cho rằng, nợ nhóm 5 là nợ không có khả năng thu hồi, rất xấu, tập trung ở các doanh nghiệp làm ăn bết bát… thì liệu có nên cứu hay không? Vì khi ngân hàng hoán đổi nợ thành cổ phần, trở thành cổ đông lớn thì sẽ phải có trách nhiệm “bơm” tiềm cứu doanh nghiệp, mà kết quả có thể thành công hoặc thất bại.

Cơ chế này sẽ có lợi cho ngân hàng khi tranh thủ “làm đẹp” số liệu nợ xấu trên sổ sách mà thực chất, nợ vay không thu hồi được, mất trắng. Đơn cử, như trường hợp Vinalines có nợ xấu lớn tại nhiều ngân hàng khiến các nhà băng phải tốn chi phí trích lập dự phòng, xử lý nợ xấu. Các ngân hàng cũng chỉ xin đổi nợ lấy cổ phần của doanh nghiệp có lãi của Vinalines vì lo sợ rủi ro.

Cần cơ chế giám sát

Trước những rủi ro tiềm ẩn, có ý kiến cho rằng NHNN cần quy định thêm cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoán đổi nợ thành cổ phần doanh nghiệp, cơ chế báo cáo, minh bạch thông tin. Điều này nhằm hạn chế rủi ro ngân hàng gian lận, tiếp tục che giấu nợ xấu khi chỉ “ưu ái” hoán đổi nợ cho các doanh nghiệp thân hữu, công ty sân sau, hay doanh nghiệp đã “chết lâm sàng”… khiến cho việc xử lý nợ xấu không có hiệu quả.

Về cơ chế hoán đổi nợ, NHNN lý giải rằng chỉ hoán đổi đối với nợ thuộc nhóm 5 hoặc nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro. Tức nợ xấu đã được đưa ra ngoại bảng, nên không thể nói là “làm đẹp” sổ sách ngân hàng.

Nợ xấu nhóm 5 rất khó thu hồi nên cơ chế hoán đổi có thể coi như “cơ hội cuối cùng” cho cả ngân hàng và doanh nghiệp hồi sinh khoản nợ xấu đó.

Đáng chú ý, NHNN cũng đặt ra những “rào” để tránh trường hợp lợi dụng cơ chế để “dọn dẹp” nợ xấu. Đơn cử: số nợ xấu hoán đổi nằm trong tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp (gồm các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó) với tỷ lệ tối đa 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại. “Rào” ngăn thứ hai là ngân hàng chỉ được góp vốn ngoài ngành với tỷ lệ tối đa là 11% vốn điều lệ doanh nghiệp nhận góp vốn.

Theo TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, việc hoán đổi nợ thành cổ phần đã được các ngân hàng thực hiện trước đây và là một giải pháp xử lý nợ xấu mà quốc tế đã làm. Nhưng, vấn đề lo ngại là nợ xấu nhóm 5 phản ánh “sức khoẻ” tài chính của doanh nghiệp rất xấu, mà ngân hàng thực hiện hoán đổi lấy cổ phần thì liệu có hiệu quả?

Số nợ có thu hồi được hay không? Với mỗi lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, ngân hàng tham gia mua cổ phần, trở thành cổ đông lớn thì liệu có đủ kinh nghiệm, năng lực, trình độ để điều hành, quản trị cũng như giám sát hiệu quả vốn đầu tư không?

“Ngân hàng trong tình trạng tay ngang đi làm kinh tế vừa thiếu kinh nghiệm, vừa thiếu tư duy trong điều hành, quản trị như vậy sẽ rất khó chèo lái được doanh nghiệp”- ông Tín băn khoăn, cho rằng việc ngân hàng tham gia vào các doanh nghiệp nhà nước sẽ còn phức tạp hơn, chịu sự tác động của nhiều yếu tố về nhân sự, quản lý, chủ trương điều hành…  

Mai Lan

Có thể bạn quan tâm