Cuối năm nay sẽ có văn bản pháp lý cho condotel

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đang chuẩn bị ban hành một số văn bản pháp lý cho loại hình bất động sản du lịch, trong đó có condotel.
Cuối năm nay sẽ có văn bản pháp lý cho condotel

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), nhận định với lợi thế bờ biển dài, an ninh tốt, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam rất thuận lợi để phát triển. Nhiều dự án cao cấp được xây dựng dọc các bãi biển, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Trong đó, mô hình condotel đã giúp tạo ra những khu du lịch, nghĩ dưỡng cao cấp tại các thành phố biển nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc.

Ước tính năm 2017 có 12.500 sản phẩm bất động sản du lịch như condotel, biệt thự nghỉ dưỡng tiến hành giao dịch. Sang năm 2018, các giao dịch tập trung sang các điểm sáng như Quy Nhơn, Quảng Bình, Vân Đồn, Bắc Vân Phong…

Song có một thực tế đang gây bất lợi cho sự phát triển của loại hình này. Ông Lee Pearce, Tổng quản lý Novotel Phu Quoc Rerort, đại diện Tập đoàn Accor Hotel, cho biết nhiều chủ đầu tư dự án condotel làm ăn theo kiểu chụp giât. Nhiều người chỉ chăm chăm tìm cách huy động vốn, đưa ra lời hứa với khách hàng, khi bán được hàng thì bàn giao cho đơn vị quản lý. Đơn vị quản lý sẽ phải cố gắng để thực hiện những lời hứa hẹn về cam kết lợi nhuận của chủ đầu tư, nhưng thường không đáp ứng đầy đủ. Cách làm này được ông Lee Pearce gọi là “Take money and run – kiếm được tiền và chạy”.

“Đây là một cách làm làm giảm tính cạnh tranh cả về uy tín của chủ đầu tư, gây sự cảnh giác cao độ về xét cấp tín dụng, thận trọng khó khăn từ tổ chức tín dụng. Cuối cùng, những dự án này sẽ làm giảm giá trị dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng gây ảnh hưởng chung không tốt đến thị trường và Việt Nam. Vì vậy sẽ phải khắc phục tình trạng này càng sớm càng tốt”, ông Lee Pearce đề xuất.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cũng cho rằng mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng loại hình bất động sản du lịch đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Trước hết là cơ sở pháp lý, hiện chưa có quy định rõ ràng cho loại hình bất động sản này.

"Bất động sản du lịch có nhiều loại, nếu mô hình khách sạn bình thường thì đã có đầy đủ hình thức quản lý, còn đối với những loại hình mà chúng ta vẫn quen gọi là “đứa con lai” như condotel thì chưa rõ ràng, chưa minh bạch và tồn tại nhiều điều lo lắng đối với nhà đầu tư khi muốn “rót” tiền vào loại hình bất động sản này", ông Khởi cho biết.

Ngoài ra, theo ông Khởi, việc quản lý vận hành condotel cũng là vấn đề lớn cần bán đến. Việc quản lý vận hành sẽ như thế nào, có thành lập ban quản trị hay không, có phải đóng phí bảo trì hay không?

Một vướng mắc nữa được ông Khởi nêu ra là về vấn đề đất đai, được sử dụng đất ổn định lâu dài hay không? Theo Luật Đất đai, đã là đất ở thì được sử dụng lâu dài nhưng condotel thì không. Đây là loại hình bất động sản du lịch nhưng nó lại là có một phần lưu trú nên dẫn đến vấn đề thiếu vắng một số cơ sở pháp lý. Đó chính là lý do vì sao vừa qua có một số tranh chấp giữa chủ đầu tư với người mua, cùng với đó phát sinh một số thắc mắc của chủ đầu tư đối với cơ quan quản lý như việc cấp sổ đỏ.

Ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, các chính sách liên quan đến đầu tư kinh doanh, bảo trì bất động sản du lịch cần phải được hoàn thiện như quy định, hướng dẫn cụ thể về thời hạn sở hữu condotel, nghỉ dưỡng.

Ở góc độ quản lý, ông Khởi cho biết Bộ Xây dựng hoàn toàn đồng tình với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý du lịch và bất động sản du lịch biển phát triển bền vững vì đây là nhu cầu tất yếu, góp phần thúc đẩy kinh tế, bộ mặt của đất nước.

“Bộ đang nghiên cứu trong thời gian tới sẽ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với loại hình condotel như căn hộ được xây tối thiểu, tối đa bao nhiêu m2, đồng thời nghiên cứu ban hành văn bản về quản lý vận hành condotel, tránh những mâu thuẫn có thể xảy ra về sau. Dự kiến cuối 2018 năm hoặc đầu năm 2019 sẽ có một số văn bản phân định rõ ràng về loại hình này. Về mặt luật pháp phải Việt hoá tên gọi cho condotel, không thể đưa tiếng nước ngoài vào trong luật”, ông Khởi khẳng định.

Có thể bạn quan tâm