Đất để hoang, chưa có nhu cầu sử dụng có thể gửi vào ngân hàng

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại phiên họp quốc hội diễn ra mới đây liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Đất để hoang, chưa có nhu cầu sử dụng có thể gửi vào ngân hàng

Bộ trưởng cho biết, đất đai là tài nguyên quý giá của đất nước do vậy việc sử dụng hiệu quả đất đai là yêu cầu cấp bách và nếu tiếp cận quản lý tốt đất đai cũng là phục vụ tốt cho tái cơ cấu kinh tế của đất nước.

Để làm được điều đó, Bộ trưởng đưa ra 3 yêu cầu cần làm trong thời gian tới:

Thứ nhất, Bộ sẽ chủ động nghiên cứu, hiện đại hóa công tác quy hoạch sử dụng đất đai và quản lý sử dụng đất, trên cơ sở tiếp cận kinh tế thị trường, các chính sách đồng bộ, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin.

Thứ hai là kiểm kê quỹ đất trong phạm vi cả nước, đặc biệt là quỹ đất các nông lâm trường.

Thứ ba là hoàn thiện quy định luật pháp, cơ chế chính sách sử dụng đất theo hướng cho phép tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có giá trị lớn trên thị trường trong nước và quốc tế.

“Phần này, Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch trao đổi để có phương án giải quyết từ khâu chính sách, thể chế; và đề xuất xem xét phương án thành lập Ngân hàng quỹ đất, trên cơ sở đó tạo niềm tin cho người dân" - Bộ trưởng khẳng định.

Về phương thức hoạt động, Bộ trưởng cho biết, ngân hàng sẽ do Nhà nước đứng ra quản lý, theo đó đất chưa có nhu cầu sử dụng hoặc hoang hóa có thể gửi vào Ngân hàng. "Các vấn đề này, chúng tôi sẽ có Đề án cụ thể trình Chính phủ” – Bộ trưởng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, trong thời gian vừa qua, nhằm thực hiện Nghị quyết 112/2015/QH13 của Quốc hội, cũng như Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường và các Bộ, ngành đã rất khẩn trương triển khai công việc kiểm tra quỹ đất, đặc biệt là quỹ đất các nông lâm trường.

Cụ thể, Bộ đã tập trung cùng Bộ Tài chính bố trí hơn 600 tỷ đồng để thực hiện việc đo đạc, lập bản đồ địa chính; cũng như cùng với các địa phương xây dựng Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm, trường này.

Cho đến nay, 39 địa phương đã triển khai, trong đó, bước đầu 10 địa phương đã hoàn thành xong công tác đo đạc, thực hiện cấp giấy; sử dụng nguồn lực này theo hai hướng giao cho các hộ dân thiếu đất sản xuất, hoặc giao cho các tổ chức, cá nhân có năng lực, có phương án sử dụng đất hiệu quả thông qua hình thức đấu thầu quyền sử dụng đất. Điều này sẽ thu được nguồn lực lớn của đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế.

Có thể bạn quan tâm