Lợi nhuận ngân hàng quý II/2016: Người lãi đậm, kẻ ngậm ngùi…

Bức tranh lợi nhuận quý II/2016 đã phân hoá rõ nét khi nhóm ngân hàng có hoạt động ổn định báo lãi đột biến, còn một số nhà băng thuộc diện tái cơ cấu, hay “có vấn đề” thì lợi nhuận rất khiêm tốn. Tỷ
Lợi nhuận ngân hàng quý II/2016: Người lãi đậm, kẻ ngậm ngùi…

Bức tranh lợi nhuận quý II/2016 đã phân hoá rõ nét khi nhóm ngân hàng có hoạt động ổn định báo lãi đột biến, còn một số nhà băng thuộc diện tái cơ cấu, hay “có vấn đề” thì lợi nhuận rất khiêm tốn. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, song số nợ tuyệt đối vẫn “phình” to.

Đến ngày 1/8, nhiều ngân hàng lớn như Vietinbank, BIDV, Eximbank, MB, Techcombank… cùng công bố kết quả kinh doanh quý II/2016 và nửa đầu năm nay. Lãi nghìn tỷ, dè chừng nợ xấu Ở nhóm ngân hàng gốc quốc doanh, Vietinbank (mã: CTG) vẫn duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định. Theo BCTC quý II/2016, tín dụng tăng trưởng 10%, đạt hơn 592 nghìn tỷ đồng dư nợ, huy động vốn tăng 17%, đạt 576 nghìn tỷ đồng. Riêng quý II, thu nhập lãi thuần của Vietinbank đạt 5.886 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh bị lỗ 23 tỷ đồng. Chi phí hoạt động trong kỳ tăng 25%, lên 3.011 tỷ đồng (gồm 1.567 tỷ đồng chi phí dự phòng, tức tăng 53%). Tỷ lệ nợ xấu cuối kỳ giảm từ 1,1% xuống còn 0,9% tổng dư nợ, tương ứng 5.366 tỷ đồng. Nợ xấu nhóm 5 - có nguy cơ mất vốn - tăng thêm 250 tỷ đồng, lên 3.050 tỷ đồng. Quý II, ngân hàng chỉ đạt 1.867 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng luỹ kế lợi nhuận trước thuế 6 tháng qua của Vietinbank vẫn tăng 10%, đạt 4.272 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 3.408 tỷ đồng, tăng 13%. Hai ngày trước, BIDV công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với tốc độ tăng trưởng khá cao. Cụ thể, quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 876 nghìn tỷ đồng, trong đó, dư nợ tín dụng đạt trên 680 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 8,3% so với so với đầu năm. Tổng nguồn vốn huy động đạt trên 868 nghìn tỷ đồng, trong đó, huy động vốn từ tổ chức, dân cư đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 13%. BIDV cho biết, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đạt 3.311 tỷ đồng, tăng 6,2%. Tuy nhiên, diễn biến nợ xấu của BIDV lại khá đáng ngại, dù tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới mức 2%, nhưng dư nợ nợ xấu lại tăng tới 31% so với cuối 2015. Tại ngày 30/6/2016, dư nợ xấu nhóm 3-5 tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng, lên tới gần 13.184 tỷ đồng. Riêng nợ nhóm 5 cũng “phình” to thêm, chiếm tới 6.343 tỷ đồng. Ở khối ngân hàng TMCP, ngân hàng Techcombank gây ngạc nhiên khi báo lãi lớn trong nửa đầu năm nay. Quý II/2016, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 2.188 tỷ đồng, tăng 27% so với quý II/2015, chủ yếu nhờ thu lãi tiền gửi và lãi khác từ hoạt động tín dụng. Chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng bật tăng lần lượt 16%, 25%, lên 927 tỷ đồng và 905 tỷ đồng. Techcombank ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II tăng tới 60%, đạt hơn 792 tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận nửa đầu năm nay lên hơn 1.268 tỷ đồng, tăng 58%… Lãi hao hụt vì lỗ “kỹ thuật”! Trong quý II/2016, ngân hàng TMCP Quân Đội - MB lại có sự sụt giảm nhẹ ở một số chỉ tiêu chính, như tổng thu nhập hoạt động hợp nhất giảm 3%, đạt 2.210 tỷ đồng, trong đó, thu nhập lãi thuần giảm xuống mức 1.857 tỷ đồng. Hoạt động tín dụng, dư nợ cho vay khách hàng của MB tăng 16,6% lên 141.530 tỷ đồng. Nợ xấu giảm đáng kể, về 1.885 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,6% xuống mức 1,3%. Chi phí hoạt động tăng 8%, lên 887 tỷ đồng, còn chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh tới 19%, còn gần 343 tỷ đồng. Do đó, quý II, MB ghi nhận 800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, luỹ kế lãi ròng 6 tháng đạt 1.504 tỷ đồng, tăng 5,3%. Hết tháng 6/2016, tổng tài sản của MB tăng trưởng 8,2% so với đầu năm lên 239.121 tỷ đồng. Trường hợp đáng nói là Eximbank, trong quý II, thu nhập lãi thuần hợp nhất tăng 13% đạt 7433 tỷ đồng, chi phí hoạt động giảm 11% xuống 535 tỷ đồng, như chi phí dự phòng rủi ro tăng gấp đôi, lên gần 324 tỷ đồng. Do đó, lãi ròng quý II chỉ đạt 37 tỷ đồng. Tính chung luỹ kế lợi nhuận trước thuế 6 tháng qua chỉ đạt vỏn vẹn… 79 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ năm trước (đạt 442 tỷ đồng). Con số này vẫn còn cách xa kế hoạch (đang xin điều chỉnh) lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng của Eximbank (kế hoạch ban đầu là 720 tỷ đồng). Kết quả kinh doanh lẹt đẹt là do Eximbank đang đối mặt với hàng loạt vấn đề, như: cho vay khách hàng giảm 4,6% so với đầu năm xuống 80.842 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng vọt lên 5,3% dư nợ. Theo báo cáo tài chính, nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt từ 182 tỷ lên 2.415 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh từ 802 tỷ lên 1.073 tỷ đồng. Đây cũng là hệ quả thấy rõ khi thời gian qua, Eximbank vẫn chưa yên ổn hoạt động do những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ ban lãnh đạo, các nhóm cổ đông lớn giành quyền kiểm soát ngân hàng… Hơn nữa, Eximbank còn phải xử lý 817 tỷ đồng lỗ lũy kế đến cuối năm 2015, xử lý tồn đọng của công ty EximLand… Ngoài các nhà băng “chiếu trên” hoan hỉ báo lãi đậm, một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ vẫn im lặng, chưa hé lộ kết quả kinh doanh quý II. Nửa đầu năm nay, hoạt động tăng trưởng tín dụng khá thuận lợi, vượt hơn chỉ tiêu do đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, bán lẻ, nguồn thu khác… giúp lợi nhuận tăng khả quan. Dù vậy, lợi nhuận sẽ duy trì mức hợp lý, nhất là ở một số ngân hàng vẫn đang trong diện tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, khắc phục các kiến nghị của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, thậm chí chỉ báo lãi “gọi là có” trên sổ sách.

Theo Thu Hằng/Thời báo Kinh Doanh

Có thể bạn quan tâm