Thấy gì từ câu chuyện thoái vốn của Vietcombank?

Việc thoái vốn khỏi 5 tổ chức tín dụng là các ngân hàng, công ty tài chính, theo nhận định của công ty chứng khoán, có thể đem về cho Vietcombank gần 2.500 tỷ đồng.
Thấy gì từ câu chuyện thoái vốn của Vietcombank?

Bán vốn tại CFC và SaigonBank thu lãi hơn 148 tỷ đồng vào ngày 20/11 vừa qua, Vietcombank tiếp tục có kế hoạch thoái vốn tại 3 ngân hàng khác là Eximbank, MBBank và OCB. Số lãi thu về từ việc bán vốn này của Vietcombank tại 2 ngân hàng Eximbank và MBBank cũng lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Cổ phiếu VCB những ngày này cũng tăng liên tục.

Không giữ cổ phần tại ngân hàng nào!

Trước khi bán vốn, Vietcombank còn phần sở hữu tại 4 ngân hàng gồm SaigonBank, OCB, MBBank, Eximbank và một công ty tài chính là CFC. Cùng với một số ngân hàng khác, Vietcombank là nhà băng thực hiện nghiêm túc chủ trương thoái vốn đầu tư tại các tổ chức tín dụng khác theo quy định tại Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước. Theo nội dung văn bản này, mỗi tổ chức tín dụng không được sở hữu quá 5% vốn ở tổ chức tín dụng khác. Mỗi tổ chức tín dụng cũng không được sở hữu, có cổ phần ở quá 2 tổ chức tín dụng.

Trước đó, nhiều nhà đầu tư dự đoán Vietcombank sẽ giữ lại phần vốn tại ít nhất một ngân hàng trong số 5 đơn vị trên. Tuy nhiên, thực tế là Vietcombank lại quyết định thoái hết vốn khỏi 5 tổ chức tín dụng là các ngân hàng, công ty tài chính. Theo đánh giá của giới chuyên gia, động thái này cho thấy sự gương mẫu của ngân hàng thương mại Nhà nước thuộc tốp đầu.

Chia sẻ với báo chí cách đây chưa lâu, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết trước đây, Vietcombank có ý định giữ lại phần vốn tại 2 ngân hàng này do thực tế, Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước cho phép các nhà băng được giữ vốn tại tối đa 2 tổ chức tín dụng khác. Ông đánh giá MBBank là ngân hàng tốt, còn ở Eximbank, Vietcombank được khuyến nghị giữ lại để hỗ trợ Eximbank tái cơ cấu. Tuy nhiên, cuối cùng, Vietcombank quyết định rút hết phần vốn đầu tư tại đây.

Cũng theo lãnh đạo cấp cao của Vietcombank, ngân hàng không giữ lại việc sở hữu ở bất cứ ngân hàng nào. Việc thoái vốn khỏi Eximbank và MBBank sẽ được ngân hàng tiến hành trong tháng 1/2018. Còn trong năm 2017, mục tiêu là thoái hết vốn khỏi CFC, OCB và SaigonBank. Việc thoái vốn khỏi OCB sẽ được thực hiện trong tháng 12. Việc này cũng khiến cho Vietcombank là ngân hàng đầu tiên không còn sở hữu bất cứ cổ phần nào tại các tổ chức tín dụng khác.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), việc thoái vốn khỏi 5 tổ chức tín dụng nói trên có thể đem về cho Vietcombank khoản lợi nhuận lên đến gần 2.500 tỷ đồng. Đây được xem là khoản đầu tư đúng đắn của Vietcombank.

Ngân hàng được gì?

Giới chuyên gia nhận định việc thoái sạch vốn tại các tổ chức tín dụng khác là động thái tích cực của Vietcombank trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng đang giải quyết câu chuyện sở hữu chéo.

“Việc thoái vốn thể hiện ngân hàng thực hiện đúng chủ trương, thông điệp từ cơ quan điều hành, đó là minh bạch hoá tình hình sở hữu cổ phần”, một chuyên gia trong ngành tài chính chia sẻ.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng nhận được chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến câu chuyện sở hữu chéo. Theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, dù chưa được giải quyết triệt để, thời gian qua, tình trạng sở hữu chéo, các nhóm chi phối đã được nhận diện, xử lý, kiểm soát đáng kể.

Do đó, theo đánh giá của giới chuyên gia, việc những ngân hàng lớn như Vietcombank minh bạch tình hình sở hữu tại các đơn vị khác và đồng loạt thoái vốn như vậy cho thấy chủ trương đúng đắn.

“Điều đó cho thấy ngân hàng tự tin có thể có doanh thu từ chính các hoạt động nội tại của ngân hàng, thay vì đầu tư bên ngoài tại những đơn vị khác”, một chuyên gia chia sẻ quan điểm.

Thực tế, với kết quả kinh doanh tốt và lợi nhuận dự kiến vượt chỉ tiêu đề ra cùng với những thông tin về việc thoái vốn của Vietcombank đang được cho là “chất xúc tác” khiến cho cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong những ngày qua.

Trong các phiên từ tháng 12 đến nay, cổ phiếu VCB có duy trì vùng giá trên 47.000 đồng/cổ phiếu. Lúc đỉnh, cổ phiếu VCB lên đến 49.400 đồng/cổ phiếu. Mức này đã tăng 200% so với 2009.

Theo Zing.vn

>> Vietcombank bán 18,9 triệu cổ phần OCB với giá khởi điểm 13.000 đồng/CP

Có thể bạn quan tâm