Vietinbank phát hành thêm 4.000 tỷ đồng trái phiếu

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, mã: CTG) vừa cho biết sẽ phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng với kỳ hạn 10 năm. Thời hạn đăng ký mua và nộp tiền từ ngày 5/6 đến 25/6/2018
Vietinbank phát hành thêm 4.000 tỷ đồng trái phiếu

Lãi suất trái phiếu được thả nổi và xác định bằng lãi suất tham chiếu (lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng của 4 ngân hàng có vốn nhà nước) cộng thêm 0,8%. Mức lãi suất cộng thêm này thấp hơn đợt phát hành trái phiếu trước đó (1,2%).

Sau 5 năm, ngân hàng có thể thực hiện quyền mua lại, tuy nhiên chỉ có thể mua lại toàn bộ mà không được mua một phần.

Năm 2017, Vietinbank cũng đã phát hành 4.200 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 10 năm. Nếu tiếp tục phát hành thành công, ngân hàng này huy động được 8.200 tỷ đồng qua kênh trái phiếu trong 2 năm gần đây.

"Theo VietinBank, số tiền huy động được sẽ sử dụng để cho vay vào các lĩnh vực trong đó chủ yếu là điện 1.232 tỷ đồng, xây dựng 893 tỷ đồng, nước 591 tỷ đồng,...

Trái phiếu đợt này xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp, không được đảm bảo bằng tài sản của VietinBank. Quyền ưu tiên khi thanh toán trong trường hợp "thanh lý tổ chức phát hành" của trái chủ này sẽ đứng sau tất cả các chủ nợ khác.

Trong trường hợp việc thanh toán lãi làm cho kết quả kinh doanh của tổ chức phát hành bị lỗ, VietinBank có quyền ngừng thanh toán tiền lãi và chuyển lũy kế sang năm tiếp theo.

Được biết, VietinBank đã giải ngân 2.214 tỷ đồng, tương đương hơn một nửa lượng trái phiếu huy động đợt trước. Giao thông vận tải là lĩnh vực được giải ngân chính và nhanh chóng hoàn tất 100% kế hoạch. Số tiền 1.047 tỷ đồng thực tế đã được giải ngân trước đó bằng nguồn vốn ngắn hạn. Tiền huy động từ trái phiếu được sử dụng để thay thế nguồn cho vay trước đó.

Kết thúc quý I/2018, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 3.027 tỷ đồng, tăng 19% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.

Tại ngày 31/3, VietinBank đang có 10.295 tỷ đồng nợ xấu, tăng 1.284 tỷ đồng, tương đương tăng 14,26% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức 6.679 tỷ đồng, tăng 28% và chiếm 64,9% tổng số nợ xấu.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đến cuối tháng 3 ở mức 1,25%/tổng dư nợ cho vay khách hàng, tăng so với mức đầu năm là 1,14%.

>> “Dứt tình” với PGBank, Vietinbank sẽ tìm đối tác thay thế

Có thể bạn quan tâm