Vietinbank và Vietcombank cùng "nhìn nhau" thoái vốn

Thông tư 36 của NHNN đang gây sức ép buộc hai  ngân hàng lớn là Vietinbank và Vietcombank đẩy nhanh việc thoái vốn tại một số ngân hàng như Eximbank, Saigonbank, MB, OCB... Động thái bán cổ phầ
Vietinbank và Vietcombank cùng "nhìn nhau" thoái vốn

Thông tư 36 của NHNN đang gây sức ép buộc hai  ngân hàng lớn là Vietinbank và Vietcombank đẩy nhanh việc thoái vốn tại một số ngân hàng như Eximbank, Saigonbank, MB, OCB...

Động thái bán cổ phần thoái vốn, giảm sở hữu qua tăng vốn điều lệ… là hai trong nhiều biện pháp để các ngân hàng giảm tỷ lệ sở hữu trên sổ sách. Còn thực tế, việc “bóc” sở hữu và tách bạch hoạt động điều hành giữa các cổ đông – ngân hàng lớn và tổ chức có sở hữu của cổ đông lại phức tạp hơn rất nhiều. Sở hữu vượt trần 5% Trong quý II/2016, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, mã: CTG) sẽ thực hiện thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Công thương (Saigonbank). Vì Vietinbank hiện sở hữu tới 10,39% vốn điều lệ Saigonbank, tức vi phạm giới hạn sở hữu tại một TCTD khác tối đa là 5% (theo Điều 20 Thông tư 36 của NHNN ban hành ngày 20/11/2014). Để đảm bảo tuân thủ giới hạn này, ngày 19/5, Vietinbank thông báo bán đấu giá công khai 16,87 triệu cổ phần Saigonbank (chiếm tỷ lệ sở hữu 5,48% vốn điều lệ). Toàn bộ lô cổ phần này là cổ phiếu phổ thông, được tự do chuyển nhượng. Sau giao dịch thành công, Vietinbank sẽ chỉ còn nắm 15,12 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu là 4,91% vốn điều lệ Saigonbank. Việc thoái vốn này được thực hiện qua đấu giá công khai, với giá bán khởi điểm là 10.800 đồng/CP, tương ứng giá trị thu về khoảng 182,2 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của Saigonbank hiện có 6 cổ đông lớn, trong đó lớn nhất là Văn phòng thành ủy Tp.HCM nắm 18,18%, công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận nắm 16,64%, công ty Du lịch thương mại Kỳ Hòa nắm 16,35%, công ty Dầu khí TP.HCM nắm 14,08%, Vietinbank nắm 10,39%, Vietcombank nắm 4,37%… Trước đó, ĐHCĐ thường niên 2016 của Saigonbank cũng đã thông qua việc bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013-2017. Ngân hàng này cũng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên mức 4.080 tỷ đồng. Từ năm 2014, Saigonbank đã có phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ song chưa thực hiện được. Thị trường cũng từng xuất hiện đồn đoán rằng Saigonbank sẽ sáp nhập vào Vietcombank, nhưng đến giờ vẫn chưa có thông tin chính thức từ các bên liên quan. Trong khi đó, ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đang “nhùng nhằng” vấn đề thoái vốn vì có sở hữu cổ phần tại 5 TCTD khác và cũng chịu áp lực thoái vốn. Cụ thể, Vietcombank nắm 7,16% vốn tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) với giá trị là 1.242 tỷ đồng; nắm 8,19% vốn tại Eximbank (tương đương 582 tỷ đồng); nắm 5,07% vốn tại Ngân hàng Phương Đông- OCB (giá trị 144 tỷ đồng); nắm 4,3% vốn tại SaigonBank (giá trị 123 tỷ đồng). Ngoài ra, Vietcombank còn sở hữu tới 10,91% vốn tại công ty Tài chính Xi Măng với giá trị khoảng 70,9 tỷ đồng. Chiếu theo Thông tư 36, Vietcombank chỉ được phép sở hữu tối đa vốn tại hai TCTD, đồng thời, tỷ lệ sở hữu vốn tại mỗi ngân hàng, công ty tài chính không vượt quá 5% vốn điều lệ của tổ chức đó. Song từ năm 2014 đến nay, Vietcombank vẫn khá “đủng đỉnh” trong việc thực hiện thoái vốn, giảm sở hữu tại các TCTD này do gặp nhiều vướng mắc, phải xin ý kiến và chờ hướng dẫn cụ thể của NHNN. Chỉ giữ ngân hàng tốt Tại ĐHCĐ thường niên tháng 4 vừa qua, một số nhà đầu tư cũng chất vấn HĐQT Vietcombank vì sao chưa thực hiện thoái vốn, giảm sở hữu tại bốn ngân hàng gồm Eximbank, MB, Saigonbank, OCB, để đảm bảo tuân thủ đúng giới hạn sở hữu 5% và chỉ sở hữu hai TCTD. Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank, ngân hàng đã xin ý kiến của NHNN cho phép giữ lại tỷ lệ sở hữu nhất định đối với ngân hàng Quân đội – MB. Trước mắt, NHNN cũng đã cho phép duy trì giữ tỷ lệ 7,16% tại MB vì ngân hàng có hoạt động hiệu quả cao, cổ phiếu tốt… “Quan điểm của chúng tôi là cũng sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại các TCTD khác. Dự kiến, Vietcombank sẽ chỉ nắm cổ phần tại hai ngân hàng, còn lại sẽ giảm cổ phần tại ngân hàng khác. Nhưng giảm sở hữu ở đâu sẽ xem xét dựa trên tín hiệu của thị trường và tín hiệu từ các TCTD đó.”- ông Thành chia sẻ. Điều này có nghĩa là Vietcombank đang xem xét để lựa chọn bán hết cổ phần tại 3/4 tổ chức còn lại là Eximbank (8,19%), OCB (5,07%), Saigonbank (4,37%), Tài chính xi măng (10,91%). Trong số này, trường hợp Eximbank đang có diễn biến rất phức tạp về cơ cấu cổ đông lớn và thay đổi nhân sự trong HĐQT. Cuộc họp ĐHCĐ bất thường hồi tháng 12/2015, số cổ phần sở hữu của Vietcombank được uỷ quyền cho một nhóm cổ đông để đề cử đại diện bầu vào HĐQT làm dấy lên nghi vấn Vietcombank sẽ rút khỏi Eximbank. Tuy nhiên, bộ máy HĐQT gồm 9 thành viên được bầu cho nhiệm kỳ 2016-2020 vẫn chưa nhận được sự đồng thuận cao, và kỳ ĐHCĐ năm 2016, Eximbank phải đưa vào chương trình bầu cử hai phương án nhân sự HĐQT gồm 9 người hoặc 11 người để các cổ đông lựa chọn. Còn nếu Vietcombank lựa chọn giữ lại OCB – ngân hàng có quy mô vốn nhỏ, thì sẽ phải bán bớt vốn để giảm sở hữu về dưới 5%. Về hai tổ chức là Saigonbank và Tài chính Xi măng, có ý kiến cho rằng Vietcombank sẽ lựa chọn giữ lại Tài chính xi măng, bởi các ngân hàng đang có xu hướng phát triển mạnh mảng tài chính tiêu dùng, ngân hàng bán lẻ, Vì vậy cần có thêm công ty tài chính độc lập.

Hải Hà 

Theo TBKD

Có thể bạn quan tâm