Cổ phiếu BHN của Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM từ năm ngoái. Ngay từ khi chào sàn, BHN đã được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ là "bom tấn" trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, Habeco khiến cổ đông bất ngờ khi báo cáo tài chính hợp nhất của quý 1/2017 của công ty cho thấy tài sản của Habeco đã "bốc hơi" 562 tỷ đồng, chưa kể vốn hóa thị trường của ông lớn ngành bia Hà Nội đã mất tới 10.547 tỷ đồng.
Vốn hóa "đánh rơi" 10.547 tỷ đồng
5 tháng đầu năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm. Dù vậy, nhiều cổ phiếu lớn vẫn duy trì được đà đi lên. Cổ phiếu BHN cũng nằm trong danh sách "bom tấn" một thời, nhưng BHN lại khiến nhà đầu tư thất vọng khi "rơi tự do".
Bên cạnh nhiều chỉ tiêu kinh doanh sụt giảm của Habeco, cổ đông Habeco phải chứng kiến thêm vốn hóa thị trường Habeco giảm sốc, "bốc hơi" tới 10.547 tỷ đồng.
Cụ thể, kể từ thời điểm cuối năm 2016 tới chốt phiên giao dịch ngày 26/5/2017, cổ phiếu BHN giảm 45.500 đồng/CP, tương ứng 36,3%. Đà giảm sâu của cổ phiếu BHN khiến vốn hóa thị trường của Habeco giảm 10.547 tỷ đồng, xuống chỉ còn 19.544 tỷ đồng.
Vì vậy, BHN đã bị nhiều cổ phiếu vượt mặt và "bay" khỏi danh sách các cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, "đối thủ" chính của Habeco là Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã chứng khoán SAB) chỉ giảm nhẹ. Sau gần 5 tháng giao dịch, SAB chỉ giảm 8.200 đồng/CP, tương ứng 4,1%.
Như vậy, vốn hóa thị trường Sabeco đã mất 5.259 tỷ đồng. Có thể thấy, trong 5 tháng đầu năm 2017, mất mát của 2 ông lớn ngành bia là rất lớn.
Điều đáng nói, cả SAB và BHN đều có màn chào sàn rất ấn tượng. BHN chào sàn TP.HCM trong ngày 28/10/2016. Ngay khi xuất hiện, BHN đã tăng trần. Sau đó, cổ phiếu này còn ghi nhận chuỗi tăng trần 8 phiên liên tiếp.
Tài sản "bốc hơi" 562 tỷ đồng
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2017, tại thời điểm cuối quý, tổng tài sản của Habeco đạt 9.219 tỷ đồng, giảm 562 tỷ đồng, tương ứng 5,7% so với đầu năm 2017.
Phần hao hụt trong tổng tài sản của Habeco chủ yếu nằm ở tài sản dài hạn khác và tài sản dở dang dài hạn. Hai chỉ tiêu này lần lượt đạt 283 tỷ đồng và 70 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tương ứng với tổng tài sản là nguồn vốn. Tổng tài sản "bốc hơi" 562 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc nguồn vốn của Habeco cũng giảm 562 tỷ đồng.
Nguồn vốn Habeco hao hụt chủ yếu nằm ở khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền. Cuối kỳ, Habeco chỉ còn 1.169 tỷ đồng, giảm 555 tỷ đồng, tương ứng 32% so với thời điểm đầu quý 1/2017. Habeco không giải thích tại sao luồng tiền của mình lại giảm mạnh như vậy.
Trong khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền, Habeco chỉ để trong két 13,8 tỷ đồng tiền mặt, tăng so với con số 9 tỷ đồng đầu năm 2017. Tiền của Habeco tập trung vào ngân hàng. Habeco đã mang 965 tỷ đồng gửi tiết kiệm. Con số này giảm mạnh so với 1.386 tỷ đồng ngày 1/1/2017.
Bên cạnh đó, khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới 3 tháng của Habeco cũng giảm mạnh từ 329 tỷ đồng xuống 190 tỷ đồng.
Ngoài ra, động thái giảm bớt nợ vay cũng khiến tài sản tại Habeco hao hụt mạnh. Tại ngày 31/3/2017, nợ phải trả của Habceo là 2.590 tỷ đồng, giảm 653 tỷ đồng, tương ứng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nợ ngắn hạn giảm mạnh từ con số 2.523 tỷ đồng xuống 2.590 tỷ đồng.
Nợ vay của Habeco giảm rất mạnh nhưng vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên 6.629 tỷ đồng nên nguồn vốn tại Habeco "chỉ" giảm 562 tỷ đồng.
Trong tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông, ban lãnh đạo Habeco đánh giá năm 2016 là năm mà các ngành sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, lãi suất ngân hàng ít biến động, sức mua tăng….
Tuy nhiên, Habeco cũng gặp nhiều khó khăn từ việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Ngày càng nhiều các thương hiệu bia nước ngoài tham gia vào thị trường có nguồn vốn dồi dào.
Trong năm 2016, Habeco đã tiêu thụ được 526 triệu lít bia, tăng 3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 997,3 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch năm.
Theo VTC
>> Carlsberg không “buông” Habeco dù thị giá tăng mạnh