Bất động sản tiếp tục đứng thứ 2 về hút vốn ngoại sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là 30,8 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số dự án được giải ngân trị giá 16,5 tỷ USD, tăng 3% cùng kỳ.
Thống kê có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư gần 8 tỷ USD, chiếm 26% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc và Singapore lần lượt ở vị trí thứ hai và thứ ba với tỷ trọng 22% và 13%.
Theo địa bàn đầu tư, nhà ĐTNN đã đầu tư vào 59 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng số vốn đăng ký 6,3 tỷ USD, chiếm 20% tổng vốn đầu tư. TP HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 5,6 tỷ USD, chiếm 18%.
Lĩnh vực bất động sản cho thấy sức hút lớn đối với các nhà đầu tư ngoại. Đánh giá từ các chuyên gia, dòng vốn FDI tiếp tục bổ sung nguồn vốn quan trọng cho lĩnh vực bất động sản trong xu thế ngân hàng đang dần hạn chế cấp tín dụng cho hoạt động này. Từ đó giúp nguồn cung vẫn phong phú, đa dạng và theo chuẩn quốc tế.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, thì chính sách thương mại Mỹ - Trung căng thẳng như hiện nay sẽ có khả năng ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới.
Cụ thể, việc Mỹ áp thuế với Trung Quốc có thể dẫn tới xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang các quốc gia ổn định hơn. Với ưu thế về vị trí địa lý, chính sách, Việt Nam có thể sẽ là ưu tiên khi Trung Quốc chuyển hướng đầu tư.
Đây vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức đối với Việt Nam bởi cùng với xu hướng chuyển dịch đầu tư nêu trên, Việt Nam cần có đối sách thận trọng trong việc cấp phép và kiểm soát đầu tư, đảm bảo có chọn lọc.
>>Việt Nam "hấp thụ" thêm 3 tỷ USD vốn FDI sau 11 tháng