3.000 tỷ đồng nợ xấu sẽ được mua bán trong hôm nay

Sàn giao dịch nợ VAMC sẽ đi vào hoạt động từ hôm nay. Dự kiến ít nhất 3.000 tỷ đồng nợ xấu sẽ được giao dịch. Đây là điều các tổ chức tín dụng và VAMC trông đợi từ lâu vì sẽ tạo cơ hội khơi thông nợ xấu qua mua đi bán lại.
3.000 tỷ đồng nợ xấu sẽ được mua bán trong hôm nay

Trong cuộc họp báo ngân hàng vừa qua, ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, sàn giao dịch nợ VAMC ra đời với hoạt động trọng tâm là cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân thông qua việc sử dụng các kiến thức chuyên môn để phát hiện vấn đề, đề xuất các giải pháp liên quan đến hoạt động mua, bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và làm trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên.

Việc thành lập sàn giao dịch nợ xuất phát từ thực hiện Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017 – 2020 và hướng tới 2022 đã được phê duyệt của NHNN.

Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn hiện nay chiếm khoảng 8% dư nợ, trong đó tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2%.

Đại diện VAMC chia sẻ, khi đi vào hoạt động, sàn chỉ giao dịch các khoản nợ, không bao gồm giao dịch tài sản bảo đảm của các khoản nợ. Mảng giao dịch tài sản bảo đảm chỉ dừng ở chức năng tư vấn, môi giới. Đại diện VAMC từng cho biết, phiên mở hàng của sàn giao dịch nợ sẽ có ít nhất 3.000 tỷ đồng nợ xấu được giao dịch.

Trước đó, từ cuối tháng 6/2021, VAMC phát đi thông báo, đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để chính thức khai trương hoạt động. Sàn giao dịch nợ VAMC hoạt động theo mô hình chi nhánh, đã được Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội) cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

Thành viên tham gia sàn giao dịch bao gồm: VAMC, các tổ chức tín dụng, AMC của các tổ chức tín dụng và các công ty mua/bán nợ trong nền kinh tế theo Nghị định 69/2016/NĐ-CP nếu đáp ứng được điều kiện của sàn.

Bên cạnh các đối tượng trên, sàn giao dịch nợ VAMC còn có sự tham gia của các đối tác trung gian như tổ chức thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm, các tổ chức môi giới, tư vấn…

Nguồn hàng (nợ xấu) cung cấp cho thị trường được xác định từ hai nguồn chính. Nguồn đầu tiên là các khoản nợ do VAMC mua theo giá thị trường. Hiện tại, nguồn này ước 3 nghìn tỷ đồng và sẽ được mang lên giao dịch ngay.

Cùng đó là nguồn nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt; tuy nhiên, trước khi giao dịch phải có sự thống nhất giữa VAMC với các tổ chức tín dụng về phương thức xử lý nợ. Nếu khoản nợ nào thỏa thuận được bằng cách bán nợ cho bên thứ ba thì sẽ được niêm yết trên sàn giao dịch.

Nguồn thứ hai là từ tổ chức tín dụng và AMC tổ chức tín dụng.

Xem thêm

Nợ xấu ngân hàng (Bài 2): Đâu là nguyên nhân?

Nợ xấu ngân hàng (Bài 2): Đâu là nguyên nhân?

Bên cạnh yếu tố khách quan là sự không ổn định tình hình chính trị, kinh tế trên thế giới, chịu ảnh hưởng do đại dịch toàn cầu thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ xấu ở các ngân hàng do là sự quản lý yếu kém từ chính các ngân hàng.

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...