Buổi họp báo diễn ra ngay sau Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và quý 1/2023; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội trong quý 3/2023 và thời gian tới.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tình hình kinh tế xã hội nước ta trong tháng 3 và quý 1/2023 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực với nhiều điểm sáng, thực hiện được các mục tiêu Trung ương, Quốc hội giao.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. GDP quý 1/2023 tăng 3,32% trong điều kiện có rất nhiều khó khăn; 58/63 địa phương tăng trưởng dương. Trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng cao, điển hình như tỉnh Hậu Giang 12,67%; Bình Thuận 9,86%; Hải Phòng 9,65%; Khánh Hòa 9,07%; Cà Mau 9,05%.
Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ có xu hướng giảm dần qua các tháng. CPI tháng 1, tháng 2 và tháng 3 lần lượt tăng 4,89%, 4,31% và tăng 3,35% so với cùng kỳ. Tính chung quý 1/2023 tăng 4,18%, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 4,5%.
Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định trong bối cảnh nhiều biến động, lãi suất được điều chỉnh giảm 2 lần liên tục , góp phần làm cho mặt bằng lãi suất có chiều hướng giảm.
Các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Thu ngân sách Nhà nước quý 1 đạt 30,3% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Về xuất khẩu, tính chung quý 1 xuất siêu 4,07 tỷ USD; xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn gạo, trị giá 0,95 tỷ USD, tăng 19,3% về lượng và tăng 30,2% về trị giá so với cùng kỳ. An ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Thị trường lao động phục hồi nhanh, cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Số lượng gia súc, gia cầm chủ yếu tăng so với cùng kỳ. Thủy sản đạt 1,89 triệu tấn, tăng 1,4% so cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1 tăng 13,9% so với cùng kỳ. Du lịch phục hồi nhanh, có gần 2,7 triệu lượt khách quốc tế, gấp 29,7 lần cùng kỳ và bằng gần 3/4 lượng khách của cả năm 2022.
Đầu tư được thúc đẩy mạnh mẽ, giải ngân vốn đầu tư công tăng 11,6 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I tăng 3,7% so với cùng kỳ. Thu hút FDI quý I có những tín hiệu tích cực: số dự án FDI đăng ký mới tăng 58,6% so với cùng kỳ; tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần đạt gần 2,77 tỷ USD, tăng 51,8% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI thực hiện đạt 4,32 tỷ USD.
Doanh nghiệp thành lập mới tháng 3 tăng cả 3 tiêu chí so với tháng 2. Trong đó, số doanh nghiệp tăng 60,9%, vốn tăng 122,2%, lao động tăng 81,4%, có 57.000 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại. Gần 80% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 2 sẽ ổn định và tốt hơn quý 1.
Công tác quy hoạch được thúc đẩy, cải cách hành chính được đẩy mạnh. Các cấp, các ngành quyết liệt triển khai các kết luận của Bộ Chính trị về xử lý các vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài như cơ cấu lại SBIC, ngân hàng phát triển, 3 dự án đạm; giải pháp về cho vay đặc biệt đối với SCB; cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt...
An sinh xã hội được bảo đảm, kinh phí trợ Tết trên toàn quốc là gần 10 nghìn tỷ; hỗ trợ 18.300 tấn gạo cho gần 205.000 hộ với 1,2 triệu nhân khẩu. Dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác được kiểm soát tốt. Việt Nam tăng 12 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới.
Về chỉ đạo các nhiệm vụ thời gian tới, sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền chủ động, tích cực và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; tập trung cho 3 động lực tăng trưởng tiêu dùng; đầu tư và xuất khẩu.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số giải pháp cụ thể: Tiếp tục nhất quán mục tiêu bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; giữ ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường đối ngoại.