Biểu đồ thông tin trên thể hiện dự báo tăng trưởng GDP theo quốc gia trong năm tới, dựa trên nghiên cứu Triển vọng kinh tế toàn cẩu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 10/2022 và bản cập nhật tháng 1/2023.
Triển vọng tăng trưởng GDP 2023
Theo nghiên cứu của IMF, nền kinh tế thế giới được dự báo chỉ đạt 2,9% tăng trưởng GDP năm 2023, giảm từ mức 3,2% dự kiến cho năm 2022.
Đây đã là mức tăng 0,2% kể từ báo cáo tháng 10/2022, một phần nhờ vào việc Trung Quốc mở cửa trở lại, nhu cầu toàn cầu lên cao hơn và lạm phát dự kiến sẽ chậm lại ở một số quốc gia trong năm nay.
Trong khi đó, Mỹ được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 1,4% vào năm 2023, tăng từ mức 1% được thấy trong dự báo tháng 10.
Tuy nhiên, các dấu hiệu của sự suy yếu kinh tế có thể được nhìn thấy trong làn sóng sa thải ngày càng phổ biến, được nhiều nhà phân tích coi là suy thoái cổ cồn trắng. Vào năm 2022, 88.000 việc làm trong lĩnh vực công nghệ đã bị cắt giảm và xu hướng này tiếp tục kéo dài đến 2023. Các công ty tài chính lớn cũng đã thực hiện nhiều chiến lược tương tự để cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn khá ổn định, ở mức 3,5% tính đến tháng 12/2022.
Trên khắp châu Âu, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến trung bình là 0,7% cho năm 2023, giảm mạnh so với mức dự báo 2,1% cho năm ngoái.
Cả Đức và Ý đều sẽ có tăng trưởng nhẹ, lần lượt là 0,1% và 0,6%. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra khiến lĩnh vực sản xuất dễ bị tổn thương, gây tác động tiềm ẩn đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng như tăng trưởng chung của khu vực đồng Euro.
Tại châu Á, cho đến nay, Trung Quốc vẫn là một câu hỏi mở. Năm 2023, dự báo tăng trưởng của quốc gia tỷ dân đạt 5,2%, cao hơn nhiều nền kinh tế lớn. Trong khi lĩnh vực bất động sản của nước này vẫn còn khá ảm đạm, thì việc mở cửa trở lại sau hơn 1.016 ngày thực hiện chính sách zero-Covid có thể giúp thúc đẩy nhu cầu và hoạt động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cũng trong báo cáo, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra nhận xét năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái đối với phần lớn nền kinh tế toàn cầu. Nhưng câu hỏi được chú ý ở đây là liệu nó sẽ sớm hướng tới sự phục hồi hay còn suy giảm mạnh hơn nữa?
Có hai yếu tố hỗ trợ cho nền kinh tế toàn cầu hiện nay là giá năng lượng thấp hơn dự kiến và bảng cân đối kế toán của khu vực tư nhân ổn định. Tuy nhiên, lạm phát vẫn chưa thể sớm kết thúc. Để chống lại hiệu ứng này, nhiều ngân hàng trung ương sẽ phải sử dụng các biện pháp kiềm chế giá cả, có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế và thị trường tài chính, với những hậu quả chưa thể dự liệu.