6 ngành hàng nào của Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD?

Sau 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có tới 6 ngành hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD.
6 ngành hàng nào của Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD?

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tháng 10/2022 ước đạt hơn 30,3 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng 9/2022. Cụ thể, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,6 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô đạt 22,7 tỷ USD, giảm 0,7%. 

Nếu so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2022 tăng 4,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 4,9%, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô tăng 8,1%.

Luỹ kế 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,8 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 80,3 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô đạt 232,4 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 74,3%.

Xét về cơ cấu, có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, có 6 mặt hàng xuất khẩu trị giá trên 10 tỷ USD, chiếm 64,1% tổng kim ngạch bao gồm: Điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; điện thoại và linh kiện; vải; chất dẻo; sắt thép. 

Chi tiết hơn, mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 70,5 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác chiếm 38,2 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 17,7 tỷ USD; vải  đạt 12,5 tỷ USD; chất dẻo đạt 10,7 tỷ USD; sắt thép đạt 10,28 tỷ USD. 

xuất khẩu

Thời gian qua, tỷ giá USD/VND tăng khá nhanh. Thông thường, tỷ giá tăng sẽ có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Do đó, đây cũng là một trong những động lực để doanh nghiệp trong nước tăng mạnh hoạt động xuất khẩu.

Ngoài ra, việc sớm kiểm soát đại dịch Covid-19 và xác định đúng thời điểm để mở cửa nền kinh tế chính là 2 nguyên nhân cơ bản giúp Việt Nam đạt kỷ lục xuất nhập khẩu 620 tỷ USD, đặc biệt là các mặt hàng thu về trên 10 tỷ USD. 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, dù đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng xuất khẩu của Việt Nam chưa thật sự bền vững do còn thiếu sự cân đối về cơ cấu thị trường xuất khẩu, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu và cơ cấu chủ thể xuất khẩu.

Cụ thể, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào vốn đầu tư FDI (chiếm hơn 74%), tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm như rau quả còn chậm. Lẽ đó, hàng hoá Việt Nam chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường và các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.

“Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc một số thị trường lớn, tiềm ẩn rủi ro, năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa cao”, Bộ trưởng thông tin.

Thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công thương nêu rõ, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, để bảo đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững. 

Trước mắt, một số thị trường lớn của ta như EU, Hoa Kỳ bị thu hẹp do suy thoái kinh tế, vì thế các doanh nghiệp cần chuyển tiếp cận thị trường sang các nước châu Á ít ảnh hưởng hơn.

Các doanh nghiệp cần tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép... nên đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này. 

Bên cạnh đó, các hiệp hội cần tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp. Ở trong nước cần tập trung hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong, kết nối cung cầu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, thị trường ngoài nước đang có nhiều biến động, điều này sẽ giúp ổn định trong doanh nghiệp và việc làm cho người lao động. 

Có thể bạn quan tâm