Mới đây, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) vừa đưa ra dự báo về danh mục VN30, Midcap, VN-Finlead và một số lưu ý.
Cụ thể, BSC cho biết ngày 15/7 tới đây sẽ là ngày công bố thông tin thay đổi cổ phiếu thành phần của các chỉ số: VN30, VNFinlead, VNMidcap. Ngày 5/8/2024 sẽ là ngày cuối cùng các ETF hoàn thiện việc cơ cấu theo danh mục mới được công bố.
ACV, BSR SẼ VÀO RỔ VN30
Trên cơ sở dữ liệu kết thúc tại ngày 27/6/2024 và giả định Top 6 các cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thuộc sàn UPCoM cùng "câu chuyện" chuyển sang Sở giao dịch Chứng khoán HCM thành công bao gồm VGI, ACV, MCH, MVN, BSR, VEA, đội ngũ chuyên gia từ BSC đánh giá cổ phiếu ACV, BSR đã đáp ứng các tiêu chí của bộ chỉ số VN30, ở tình huống này ACV, BSR sẽ vào chỉ số VN30 và cổ phiếu POW, BVH sẽ bị loại.
Đối với cổ phiếu VGI và MVN không đáp ứng tiêu chí giá trị vốn hóa điều chỉnh free-float, MCH không đáp ứng về tiêu chí khối lượng giao dịch.
Đây là tính toán giả định của nhóm chuyên gia BSC dựa trên số liệu tại thời điểm tính toán và bộ quy tắc chỉ số của HOSE công bố chưa thay đổi. Dữ liệu sẽ thay đổi tại kỳ đánh giá tiếp theo và nhà đầu tư cần lưu ý vào quá trình chuyển sàn của các công ty cũng như các dự báo gần nhất.
Trong thời gian qua, cổ phiếu ACV đã có chuỗi ngày dài liên tiếp tăng giá. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ACV đã tăng gần 80% và hiện tại niêm yết ở mức giá 118.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, cổ phiếu này đã lập đỉnh lịch sử vào giữa tháng 6/2024 với vùng hơn 136.000 đồng/cổ phiếu, tăng 100% so với hồi đầu năm.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng Giám đốc của ACV, cho biết công ty đã đạt tiến triển tích cực ở cả hai dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành và Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
ACV là bên được giao dự án thành phần ba của dự án Long Thành đã khởi công các gói thầu thiết yếu và tạm thời đạt hoặc vượt các mốc tiến độ đề ra. Công ty kỳ vọng đưa vào khai thác dự án thành phần ba của Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành vào tháng 9/2026.
Về dự án Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, sau nhiều năm bị vướng mắc về mặt bằng, dự án đã khởi công từ năm 2023. Công ty dự kiến đến ngày 30/4/2025 sẽ đưa Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vào khai thác, với công suất 20 triệu khách nội địa mỗi năm.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn được hưởng lợi từ kết quả kinh doanh khả quan. Trong quý 1/2024, công ty ghi nhận doanh thu 5.643 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Trừ giá vốn hàng bán, ACV lãi gộp 3.599 tỷ đồng, tăng 22,5% so với năm ngoái. Biên lãi gộp ở mức gần 64%.
Mảng tài chính, doanh thu trong kỳ đạt 479 tỷ - phần lớn đến từ lãi tiền gửi ngân hàng. Đặc biệt, trong kỳ Công ty không còn ghi nhận khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá giúp lãi ròng tăng mạnh 79%, đạt 2.917 tỷ đồng.
Tương tự, trong thời gian qua, cổ phiếu BSR cũng thu nhận nhiều “quả ngọt” đáng kể khi thị giá tăng hơn 16% so với thời điểm đầu năm nay.
Trước đó, nhiều dự báo đã đưa ra rằng, BSR sẽ đón nhận nhiều tín hiệu tích cực để tạo đà tăng trưởng cho cổ phiếu như: yếu tố dòng tiền; mức tăng trưởng sản xuất kinh doanh, việc chuyển cổ phiếu sàn sang HOSE và triển khai dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Ngày 28/3/2024, BSR đã phê duyệt điều chỉnh Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất với tiến độ thực hiện dự án dự kiến là 37 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng EPC và đưa dự án vào vận hành trong năm 2028. Sau khi hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ giúp nâng công suất chế biến dầu thô từ 148.000 thùng lên 171.000 thùng/ngày. Ngoài ra, dự án cũng nâng cao chất lượng sản phẩm xăng, dầu đạt chuẩn EURO 5.
Bên cạnh đó, dự án sẽ nâng tỷ trọng các sản phẩm lọc dầu có giá trị cao (LPG, Jet-A1) và các sản phẩm hóa dầu. BSR cũng chuyển đổi hướng kinh doanh mới sang lĩnh vực hóa dầu trong thời gian đến.
Một trong những vấn đề đáng chú ý khác trong năm 2024 của BSR là chuyển 3,1 tỷ cổ phiếu (Petrovietnam nắm gần 2,9 tỷ cp) từ sàn UPCoM sang niêm yết trên sàn HOSE.
BSR cho biết sẽ tiếp tục triển khai việc này khi có đủ điều kiện, dự kiến trong năm nay. Việc chuyển niêm yết sang HOSE được kỳ vọng sẽ nâng cao tính minh bạch, tăng thanh khoản cũng như giá cổ phiếu và khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn, mang lại tiềm năng thu hút vốn cho BSR.
VN30 SẼ CÓ THÊM CỔ PHIẾU NGOÀI NHÓM TÀI CHÍNH VÀ BẤT ĐỘNG SẢN
Quay trở lại với báo cáo, BSC Research cho rằng, trong tương lai nếu bộ chỉ số VN30 có thêm các cổ phiếu thuộc nhóm ngành khác ngoài nhóm tài chính, bất động sản sẽ giúp chỉ số này tăng thêm tính đa dạng, tránh việc chỉ số bị xô lệch phụ thuộc quá lớn vào 2 nhóm ngành ngân hàng, bất động sản, đồng thời cũng tăng tính hấp dẫn hơn cho chỉ số VN30.
Mặt khác, ở góc độ nhà điều hành cũng cần sớm ban hành các bộ quy tắc chỉ số mới cập nhật sát với diễn biến thị trường, các doanh nghiệp cũng cần sớm nâng cao tiêu chuẩn để niêm yết trên HOSE - khi lộ trình chuyển đổi đã được Bộ Tài chính quy định tại Thông tư số 69/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2021/TT-BTC quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác.
Trên cơ sở số liệu tính toán tại ngày 27/6/2024, BSC Research dự báo VN30 không có thay đổi trong kỳ đánh giá lần này. VNFinlead dự báo thêm SSB và VIX và không loại bỏ cổ phiếu nào; VNMidcap thêm NVL, SIP và dự báo loại bỏ BWE, CRE, HAG.
Dự báo các ETF nội sẽ mua nhiều nhất 7,6 triệu cổ phiếu HPG; tiếp theo là 2,6 triệu cổ SHB; 1,3 triệu cổ phiếu VPB; MBB cũng được mua 1,26 triệu cổ phiếu. Ngoài ra VIX được mua 889 nghìn cổ phiếu; SSB được mua 740 nghìn cổ phiếu...
Ở chiều ngược lại, FPT bị bán ra nhiều nhất 1,37 triệu cổ phiếu; TCB bị bán ra 293 nghìn cổ phiếu; VND bị bán 192 nghìn cổ phiếu; BCM bị bán 104 nghìn cổ phiếu; PDR bị bán 89 nghìn cổ phiếu....