Chứng khoán ngày 23/5, sau 3 phiên liên tiếp chịu áp lực điều chỉnh ở vùng kháng cự quanh 1.282 điểm. VN-Index trong phiên hôm nay tiếp tục chịu áp lực bán điều chỉnh mạnh hơn về gần vùng giá cao nhất năm 2023 và phục hồi rất tốt trở lại khi lực cầu, dòng tiền ngắn hạn vẫn đang luân chuyển tốt giữa các nhóm mã.
Kết phiên VN-Index tăng tốt 14,12 điểm (+1,11%) lên mức 1.281,03 điểm, mở ra kỳ vọng vượt lên vùng kháng cự mạnh để hướng đến vùng giá quanh 1.300 điểm. HNX-Index vẫn duy trì tích cực tăng 1,76 điểm (+0,72%) lên mức 246,91 điểm, vượt lên đỉnh giá tháng 3/2024 quanh 245 điểm. Độ rộng thị trường trên 2 sàn giao dịch tích cực trở lại với 369 mã tăng (14 mã tăng trần), 223 mã giảm giá (5 mã giảm sàn) và 136 mã giữ giá tham chiếu.
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết đạt 25.473,55 tỷ đồng được giao dịch, giảm 17,20% so với phiên trước, trên mức trung bình. Thị trường phục hồi tốt với nhiều mã, nhóm mã tăng giá mạnh đột biến, trong khi các mã điều chỉnh, thanh khoản dưới mức trung bình.
Khối ngoại sau giai đoạn bán ròng mạnh liên tiếp, mua ròng nhẹ trở lại với giá trị 69,83 tỷ đồng trên sàn HOSE; bán ròng trên HNX với giá trị 0,5 tỷ đồng.
Thị trường phục hồi tốt với rất nhiều mã/nhóm mã có diễn biến rất tích cực, tăng giá mạnh hết biên độ, thanh khoản đột biến vượt các vùng giá đỉnh gần nhất, nổi bật ở nhóm cổ phiếu bảo hiểm như BMI (+6,95%), BVH (+6,95%), MIG (+6,84%), BIC (+4,84%)...
Các cổ phiếu dầu khí cũng có diễn biến tăng giá vượt trội ở nhiều mã, thanh khoản gia tăng mạnh nổi bật với CNG (+6,90%), PLX (+6,90%), BSR (+4,17%), OIL (+3,77%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh như VIP (-1,56%), PPT (-0,85%)...
Nhóm cổ phiếu xây lắp điện, điện cũng có diễn biến tăng giá tốt từ đầu phiên, nhiều mã vượt đỉnh gần nhất với thanh khoản rất đột biến, tích cực như PC1 (+5,19%), NT2 (+4,74%), REE (+3,89%), QTP(+3,01%)..., các cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng cũng có diễn biến rất tích cực với NTP (+9,83%), C4G (+3,92%), DPG (+3,15%), BMP (+2,19%)...
Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su cũng có diễn biến tích cực, đa số phục hồi tăng giá mạnh sau áp lực điều chỉnh, thanh khoản cải thiện với VGC (+2,76%) DTD (+2,66%), LHG (+1,99%), KBC (+1,94%)... trong khi các cổ phiếu bất động sản có diễn biến phân hóa kém tích cực hơn, đa số chịu áp lực điều chỉnh nhẹ, thanh khoản dưới mức trung bình như NHA (-3,89%), FIR (-2,59%), HPX (-2,16%), DXG (-0,57%)... ngoài các mã tăng giá mạnh như CSC (+9,85%), PXL (+8,90%), QCG (+3,38%)...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau áp lực điều chỉnh đã phục hồi khá tốt trở lại, là động lực hỗ trợ VN30 quay trở lại vùng đỉnh tháng 3/2024 với STB (+1,96%), ACB (+1,79%), HDB (+1,44%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh như KLB (-6,25%), VAB (-3,92%)…
Xu hướng giao dịch rung lắc chưa kết thúc
Chứng khoán BIDV (BSC)
VN-Index giằng co trong vùng 1.260 – 1.270 cả ngày trước khi bật tăng từ giữa phiên chiều và đóng cửa tại mốc 1.281,03 điểm, tăng hơn 14 điểm so với hôm qua. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 15/18 ngành tăng điểm, trong đó ngành bảo hiểm, dầu khí dẫn đầu đà tăng… Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này mua ròng trên sàn HSX và bán ròng nhẹ trên sàn HNX.
Hiện tại, VN-Index vẫn chưa thể vượt qua hẳn ngưỡng kháng cự 1.280 và phiên tăng điểm hôm nay cũng có thanh khoản giảm so với phiên trước. Xu hướng giao dịch rung lắc tại vùng giá cao vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. VN-Index cần một cây nến chỉ hướng cùng với thanh khoản đáng kể.
Nhóm VN30 và ngân hàng là động lực kéo VN-Index hướng lên vùng 1.300 điểm
Chứng khoán Đông Á (DAS)
DAS đánh giá với trạng thái tâm lý tích cực hiện nay của nhà đầu tư, cổ phiếu khó giảm sâu và luôn được mua bắt đáy, VN-Index hướng lên vùng 1.300 điểm. Động lực kéo thị trường đến từ nhóm VN30 và cổ phiếu ngân hàng.
Chiến lược là tiếp tục nắm giữ danh mục cổ phiếu trung dài hạn, cơ cấu danh mục đầu tư dựa trên kết quả kinh doanh quý 1/2024, quan tâm nhóm vận tải biển, dầu khí, khu công nghiệp, nhiệt điện, và hàng xuất khẩu. Giao dịch T+ trên danh mục có sẵn khi cổ phiếu điều chỉnh để tối ưu hóa lợi nhuận.
Giằng co quanh vùng đỉnh cũ 1.290
Chứng khoán Phú Hưng (PHS)
Về mặt kỹ thuật, VN-Index có phiên tăng điểm trở lại. Chỉ số không tiếp tục giảm thêm nhiều mà tăng lại khá tốt, lấy lại toàn bộ số điểm đã mất, tín hiệu xuất hiện cặp nến Bullish Engulfing. Tuy nhiên, tương tự như nến rút chân trước đó, cặp nến này cũng xuất hiện khi chưa về vùng hỗ trợ, do đó có phần nghi ngờ khả năng tăng điểm sau phiên này.
Nếu lực cầu trong phiên tới yếu thì có thể vẫn còn giằng co quanh vùng đỉnh cũ 1.290, trường hợp nếu tiếp tục tăng mạnh thì sẽ break đỉnh và hướng về vùng cung 1.330-1.370.
Đối với HNX-Index, chỉ số tiếp tục có phiên tăng thứ 16 liên tiếp. Tín hiệu xuất hiện nến tăng đặc vượt đỉnh quanh 246, tuy nhiên khối lượng sụt giảm, đồng thời chỉ số cũng đang trong nhịp tăng kéo dài với chỉ báo RSI vào quá mua, do đó chú ý khả năng điều chỉnh trở lại. Vùng cung cần chú ý là 250-260.
Chiến lược chung có thể duy trì tỷ trọng ở mức trung bình, chờ nhịp điều chỉnh tích cực về hỗ trợ hoặc tín hiệu xác nhận kết thúc điều chỉnh để gia tăng thêm; ưu tiên các cổ phiếu mạnh vượt đỉnh trước thị trường, như công nghệ, hàng không, nhiệt điện, bán lẻ, phân bón, dệt may, dầu khí, vận tải biển… hoặc các nhóm cổ phiếu tăng sau đang cải thiện dần sức mạnh tương đối, như xây dựng, bất động sản, khu công nghiệp, thép, chứng khoán.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.