Báo cáo của ADB phân tích, nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn từ Trung Quốc sang Việt Nam; sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, và việc thực thi hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Tăng trưởng thấp sẽ kìm giữ lạm phát ở mức 3,3% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021.
Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực. Việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định, tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng cảnh báo về những nguy cơ lớn vẫn còn mà điển hình là đại dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu sẽ là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 và năm sau đó. Cùng với đó là những mối đe dọa khác như căng thẳng thương mại toàn cầu, dẫn tới gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài.
Tiêu dùng nội địa được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp. Mặc dù doanh số bán lẻ có phục hồi trong tháng 7 và lạm phát duy trì ở mức thấp, tiêu dùng sẽ bị kìm hãm bởi thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thêm nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Triển vọng đầu tư không đồng đều, đầu tư tư nhân vẫn yếu và đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại tiếp tục giảm.
Đối với triển vọng kinh tế châu Á, Báo cáo nhận định GDP khu vực châu Á đang phát triển sẽ suy giảm 0,7% trong năm 2020, đánh dấu lần đầu tiên kinh tế khu vực tăng trưởng âm kể từ đầu những năm 1960.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho rằng, GDP khu vực châu Á sẽ bật trở lại và đạt mức 6,8% trong năm 2021, một phần là vì chỉ số tăng trưởng của năm 2021 sẽ được tính toán dựa trên những số liệu khá thấp của năm 2020. Sản lượng năm 2021 của toàn khu vực vẫn được dự báo ở mức thấp hơn những mức dự báo được đưa ra trước đại dịch Covid-19.
Kinh tế khu vực sẽ hồi phục theo biểu đồ hình L thay vì hình V, đồng nghĩa với việc quá trình phục hồi sẽ chỉ diễn ra một phần thay vì hoàn toàn. Theo ADB, khoảng 3/4 các nền kinh tế khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020.