Một lần nữa khẳng định cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong những khó khăn, ngày 27/9, Ngân hàng ADB đã phê duyệt khoản viện trợ 2 triệu USD, nhằm hỗ trợ người dân Việt Nam sớm ổn định cuộc sống sau cơn bão Yagi.
Khoản tiền viện trợ được cấp vốn từ Quỹ Ứng phó thiên tai châu Á - Thái Bình Dương, được thiết kế để cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB bị ảnh hưởng bởi các thảm họa lớn do thiên tai.
Theo chia sẻ của Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty, ADB đánh giá cao những nỗ lực phi thường của Chính phủ và người dân Việt Nam trong việc ứng phó với thiệt hại do bão Yagi gây ra.
ADB hi vọng khoản viện trợ này sẽ hỗ trợ các nỗ lực ứng phó rộng hơn của Chính phủ nhằm cung cấp cứu trợ nhân đạo ngay lập tức. Bên cạnh đó, ADB cũng cam kết hợp tác với Chính phủ trong công cuộc phục hồi sau thảm họa ở các tỉnh bị ảnh hưởng để xây dựng lại tốt hơn và cải thiện khả năng chống chịu, điều này rất quan trọng bối cảnh thiên tai đang gia tăng.
Ngoài ra, ADB đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão lũ. Hỗ trợ khẩn cấp của ADB nhằm mục đích bảo đảm rằng người dân sống tại các khu vực bị thiên tai có thể tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội cơ bản, cũng như các nguồn lực để xây dựng lại cuộc sống và sinh kế của họ và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ và các đối tác phát triển khác để cung cấp hỗ trợ nhân đạo theo Kế hoạch Ứng phó Thiên tai do Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc chia sẻ.
Bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, là siêu bão với cường độ rất mạnh (gió giật cấp 17); sức tàn phá rất lớn; thời gian tàn phá trên đất liền và duy trì cường độ bão dài; phạm vi ảnh hưởng rất rộng, bao phủ toàn bộ 26 địa phương khu vực miền Bắc và Thanh Hóa; đối tượng chịu tác động nhiều; gây ra mưa lớn dài ngày, dẫn đến thảm họa thiên tai về lũ, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương.
Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch. Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, tính tới ngày 24/9, đã có 337 người thiệt mạng hoặc mất tích, cùng với 1.935 người bị thương.