Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Khi ưu đãi thuế không còn là lợi thế

Thuế tối thiểu toàn cầu được dự báo sẽ khiến nhiều “đại bàng” rời Việt Nam nếu Chính phủ không có những biện pháp thích ứng phù hợp…

Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Hiện 142/142 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đồng thuận. Với loại thuế này, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào. Nhiều quốc gia lớn trên thế giới đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế tối thiểu 15% bắt đầu từ năm 2024.

Thuế tối thiểu toàn cầu

Lợi thế bị mất

Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp, trong đó thường là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron...

Hiện Việt Nam đang duy trì mức thuế ưu đãi rất lớn cho các doanh nghiệp FDI với mức bình quân áp dụng quanh ngưỡng 12,3%, thậm chí là từ 2,75 - 5,95%.

Nhất là sau “Thương chiến Mỹ - Trung” và đại dịch Covid–19 tạo ra xu hướng các tạp đoàn sản xuất lớn rời Trung Quốc, Việt Nam lại càng đẩy mạnh các biện pháp “xây tổ” đón “đại bàng".

Một số chính sách miễn, giảm thuế có thể nhắc đến như miễn thuế đến 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo hay duy trì ưu đãi thuế. Thậm chí, doanh nghiệp sản xuất có thể đàm phán với từng địa phương để hưởng thêm các ưu đãi khác…

Hiệu quả, trong giai đoạn 2020 – 2022, thu hút vốn FDI của Việt Nam liên tục tăng, năm 2022 đạt gần 27,72 tỷ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kì năm 2021. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm (2017 - 2022).

Do đó, khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp FDI của Việt Nam sẽ bị truy hoàn thuế, từ đó tạp áp lực lên chính tập đoàn đó.

Phân tích rõ hơn, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam nhìn nhận, khi thuế suất này được áp dụng, các công ty đang hưởng ưu đãi thuế của chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam sẽ phải nộp bổ sung lên mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% tại quốc gia có công ty mẹ đặt trụ sở. Điều này làm tăng gánh nặng tài chính về thuế cho tập đoàn, làm ảnh hưởng đến việc hoạch định tài chính và chiến lược kinh doanh của các công ty, trực tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, dự báo có hơn 1.000 doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu ngay trong từ năm 2024.

Bên cạnh ảnh hưởng trực tiếp khi doanh nghiệp bị truy thu thuế, thì việc áp thuế toàn cầu cũng khiến chính sách ưu đãi về thuế của Việt Nam không còn phát huy tác dụng đối với các doanh nghiệp FDI, thậm chí còn đem lại ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường đầu tư tại Việt Nam.  

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho hay, ưu đãi thuế vẫn luôn là một trong những công cụ quan trọng thu hút đầu các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Nhưng khi áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở cả tính hồi tố với các tập đoàn lớn thuộc điều chỉnh thuế suất tối thiểu và cả các tập đoàn mới chuẩn bị chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư.

Khi các công cụ ưu đãi về thuế không còn phát huy hiệu quả, Việt Nam cần có biện pháp hỗ trợ để duy trì tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, việc hỗ trợ bằng tiền cần hết sức cân nhắc bởi có thể không phù hợp với quy tắc áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Làm gì để tăng thu

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc nâng thuế suất tối thiểu lên 15% cũng giúp tăng thuế, một khoản lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đây cũng là cơ hội nâng cao hiệu quả đầu tư theo quy hoạch, định hướng phát triển, cân đối hài hoà đầu tư trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam, cho rằng nếu Việt Nam không có những hành động kịp thời và phù hợp thì có thể không giữ được quyền đánh thuế tại nước chủ nhà, tức không thu được phần thuế bổ sung từ đầu tư ra nước ngoài của các Tập đoàn có trụ sở đặt tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng chất lượng môi trường đầu tư quan trọng hơn cả những ưu đãi. Do đó cần tăng chất lượng hấp dẫn bằng hạ tầng, sự minh bạch trong quyết định.

Bà Nguyễn Thị Cúc cho biết, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam không chỉ vì được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà quan trọng hơn là các yếu tố về lực lượng lao động, vị trí địa lý. Thay vì ưu đãi thuế chưa hợp lý, việc cắt giảm các chi phí như vận chuyển, cấp quyền khai thác mỏ… sẽ mang lại giá trị gia tăng tốt hơn cho môi trường đầu tư Việt Nam.

Trong bài toán này, Việt Nam không có quyền lựa chọn, dù muốn hay không cũng phải tham gia một cách khôn khéo.

Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu được coi là thời cơ để Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI. Khi đó, mô hình kinh tế truyền thống sẽ chuyển sang kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và bền vững;  thu hút đầu tư sẽ dịch chuyển từ việc ưu đãi thuế sang việc tăng cường pháp luật bảo vệ, thúc đẩy lao động chất lượng cao, hỗ trợ cơ sở hạ tầng tốt, chính sách hải quan tốt.

Đề ra định hướng giải quyết, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Việt Nam cần có biện pháp hỗ trợ để duy trì tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Các biện pháp hỗ trợ cần đạt được 2 mục tiêu quan trọng, đem lại lợi ích thực sự cho nhà đầu tư và không vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như tuân thủ các quy tắc của thuế tối thiểu toàn cầu. Đây chính là cách những quốc gia đang cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài như: Thái Lan, Singapore, Malaysia đều thực hiện.

Ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt yêu cầu tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư, kinh doanh, kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; chuẩn bị sẵn các điều kiện về đất đai, nhân lực chất lượng cao, hạ tầng…; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà cung ứng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

Có thể bạn quan tâm