Cách đây vài thập kỷ, Apple từng là biểu tượng của sự đổi mới và sáng tạo, ông lớn công nghệ này đã biến những ý tưởng kỳ diệu thành sản phẩm mà người người tiêu dùng mong đợi. Khi một công nghệ mới xuất hiện, mọi ánh nhìn hầu hết đều tự động hướng về Apple để xem rằng họ sẽ làm gì với nó.
Tuy nhiên, hiện tại, Apple dường như đã không còn giữ vững vị thế đó. Trong sự kiện WWDC 2024, Apple Intelligence ra đời, một trợ lý ảo dựa trên trí tuệ nhân tạo và mô hình ngôn ngữ đa chế độ. Ban đầu, công nghệ này để lại ấn tượng mạnh mẽ nhưng khi nhìn lại, Apple Intelligence vẫn không đủ để thuyết phục người dùng.
Điều này báo động rằng, dù là một đại gia công nghệ lớn, Apple cần phải lấy lại tinh thần đổi mới sáng tạo, thay vì chỉ dựa vào tên tuổi và tiếng vang của mình để giữ vững tinh thần.
Thách thức hiện tại của nhà táo không chỉ là đưa ra những sản phẩm mới mẻ mà còn là cách thức để khiến những sản phẩm đó thực sự gây được sự chú ý và lòng tin của người dùng trên toàn cầu.
ĐI SAU
Khi Apple giới thiệu Apple Intelligence tại sự kiện WWDC 2024, nhiều người nhận thấy rằng công nghệ này chưa đạt đến mức độ đột phá mà họ mong đợi từ một công ty với tiềm lực như Apple.
Các tính năng và khả năng của Apple Intelligence, mặc dù tiên tiến và hiện đại, nhưng không có những điểm khác biệt rõ rệt so với những gì đã được các đối thủ như Google và Amazon triển khai từ trước.
Cũng có quan điểm cho rằng, Apple đang lựa chọn chỉ trình làng những tính năng trí tuệ nhân tạo mà họ cho là hữu ích nhất trong mắt người tiêu dùng, tập trung vào những thứ mà người dùng sẽ sử dụng hàng ngày.
Quan điểm này phần nào giúp các "fan" của nhà táo giảm bớt lo ngại rằng Apple đang phải cố gắng đuổi kịp các tập đoàn khác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, một trong những công nghệ được quan tâm nhất hiện nay.
Nhưng thực tế đã cho thấy một điều rõ rệt, Apple rõ ràng là đang cố gắng đuổi kịp Google và Microsoft trong cuộc đua công nghệ AI.
Nhà táo giới thiệu loạt tính năng nhỏ mà họ cho là mang tính cách mạng, sự thật là không một tính năng Apple Intelligence nào có thể gây ấn tượng mạnh và hoàn hảo như mong đợi.
Thay vì mang đến những điểm khác biệt rõ rệt, Apple lại mang đến các tính năng đã có sẵn ở nơi khác.
Các tính năng nhỏ như tạo hình cá nhân hóa, emoji mới hay khả năng viết văn bản tự động được thổi phồng lên như là những đột phá đặc biệt. Những tính năng này đã xuất hiện từ trước trong các dịch vụ trí tuệ nhân tạo của các đối thủ khác như Copilot của OpenAI hay Gemini của Google.
Hơn thế, từ công cụ xóa chi tiết không mong muốn trong hình ảnh đến tính năng Recall để theo dõi và hỗ trợ người dùng, các đối thủ như Google và Microsoft đều đã trình làng từ trước.
Nhìn theo chiều hướng tích cực, ở tầm ngắn hạn, Apple vẫn có những lợi thế đáng kể. Họ tạo ra những ứng dụng AI có khả năng tác động tích cực tới người tiêu dùng, giúp người dùng xử lý các tác vụ công việc và giải trí hàng ngày hiệu quả hơn.
Một ví dụ điển hình là Siri, được nâng cấp mạnh mẽ và tích hợp vào gói Apple Intelligence để tổng hợp và tóm tắt thông tin từ email, tin nhắn và nhiều ứng dụng khác khiến người dùng thích thú.
Với phương pháp này, Apple không chỉ tận dụng được những điểm mạnh hiện có mà còn mở rộng được sự hấp dẫn đối với những người dùng mới.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn về chiến lược của Apple trong thời gian tới vẫn được đặt ra. Liệu gã khổng lồ công nghệ có thể duy trì sự khác biệt trong sản phẩm của mình hay chỉ đơn giản là đuổi theo các xu hướng và công nghệ đã có.
NGẦM CHẤP NHẬN SỰ THẬT
Đi sau các đối thủ nên điều quan trọng là Apple có thực sự làm tốt và hiệu quả như các gã khổng lồ công nghệ khác hay không? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng của mô hình AI mà Apple đã tự phát triển trong những năm qua.
Trong thế giới AI, việc sử dụng mô hình tạo sinh dựa trên xác suất có thể dẫn đến các lỗi phát sinh và thông tin sai lệch. Apple cần phải đối mặt với thách thức của việc cải tiến và kiểm soát mô hình AI để đảm bảo rằng nó không chỉ là một công cụ mạnh mẽ mà còn là một công cụ đáng tin cậy và an toàn cho người dùng.
Động thái hợp tác với OpenAI đã phản ánh việc Apple chấp nhận sự thật rằng bản thân đang đi sau trong lĩnh vực này. Nhà táo đã thua xa các đối thủ trong việc phát triển mô hình AI phức tạp như kết hợp LLM với RAG, một công cụ có khả năng trả lời mọi câu hỏi của người dùng và tìm kiếm thông tin hiệu quả trên internet.
Thay vào đó, mô hình AI mà Apple đang phát triển chủ yếu dựa trên dữ liệu và thông tin từ các thiết bị của người dùng. Để cải thiện khả năng trò chuyện tự nhiên của các chatbot trên sản phẩm của mình, Apple phải hợp tác với OpenAI để tích hợp ChatGPT vào iPhone, iPad và Macbook.
Điều đáng nói là thương vụ này được công bố một cách nhanh chóng, có vẻ như Apple cảm thấy cần phải nhanh chóng bù đắp cho khoảng cách nghiêm trọng về công nghệ AI so với các đối thủ khác.
Ông lớn ngành công nghệ đã phải đau đớn thừa nhận rằng mô hình AI mà họ phát triển đang thua kém so với các mô hình của OpenAI và Apple đang “dưới cơ” trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Mặc dù hiện tại, việc tích hợp ChatGPT là một giải pháp tạm thời, vấn đề lớn hơn là Apple sẽ phụ thuộc vào sức mạnh của GPT-4o và các mô hình tiếp theo của OpenAI ra sao trong tương lai dài.
Các mô hình AI với hàng tỷ tham số hoạt động trên nhiều trung tâm dữ liệu không chỉ đòi hỏi sự đầu tư lớn mà còn cần chi phí rất cao. Nhiều nhà nghiên cứu thị trường dự đoán rằng trong tương lai, Apple có thể sẽ thu phí từ người dùng để sử dụng phần mềm ChatGPT trên hệ sinh thái thiết bị của họ.
Vấn đề đặt ra là liệu nhà táo có thể duy trì sự hấp dẫn và tính hữu ích của dịch vụ này khi phải cạnh tranh với các đối thủ có nguồn lực mạnh mẽ như Google hay Amazon.
Dù Apple có thể có những tính năng và khả năng giống như các đối thủ nhưng thành công thực sự sẽ phụ thuộc vào khả năng họ giải quyết được các thách thức kỹ thuật của công nghệ AI. Chỉ khi đó, Apple mới có thể khẳng định vị thế của mình trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.