Nợ có khả năng mất vốn hơn 10 nghìn tỷ
Theo BCTC riêng lẻ đã được kiểm toán của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 14,6% so với thời điểm cuối năm trước. Vốn điều lệ ở mức 29,1 nghìn tỷ đồng.
Cho vay khách hàng đạt 744 nghìn tỷ đồng, tăng 18,8%. Tiền gửi của khách hàng đạt 866 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4%.
Về chất lượng cho vay, tổng số nợ xấu của ngân hàng tính đến cuối năm 2016 là 15,4 nghìn tỷ, giảm 6% so với thời điểm cuối năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,07% tổng dư nợ cho vay. Về cơ cấu nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn chiếm 2/3, với 10,6 nghìn tỷ.
Agribank cho vay ngành nông lâm nghiệp và thủy sản nhiều nhất với 31% tổng dư nợ cho vay. Theo sau là cho vay hoạt động bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác với tỷ trọng là 22,51% tổng dư nợ. Tiếp đến là hoạt động làm thuê công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình với tỷ trọng là 17,42%. Còn lại các ngành nghề khác được phân bổ đều, với tỷ lệ không đáng kể.
Trong năm 2016, thu nhập lãi thuần của Agribank đạt 28,5 nghìn tỷ, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Các hoạt động khác đều có kết quả khả quan như hoạt động dịch vụ lãi thuần hơn 2 nghìn tỷ, tăng trưởng gần 20%; kinh doanh ngoại hối lãi hơn 500 tỷ đồng, tăng trưởng gấp rưỡi cùng kỳ; lãi thuần từ hoạt động khác tăng trưởng 24% đạt 4,3 nghìn tỷ. Riêng hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 80 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi 28 tỷ. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần giảm lãi 66% còn 91 tỷ đồng.
Trong năm qua, Agribank dành 18,2 nghìn tỷ cho chi phí hoạt động, dự phòng rủi ro 13 nghìn tỷ, đều tăng so với cùng kỳ. Kết thúc năm 2016, Agribank ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế là 4.211 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2015. Sau thuế, lợi nhuận còn 3.387 tỷ đồng.
Agribank đang đầu tư vốn vào những công ty nào?
Đến cuối năm 2016, Agribank có 2,5 nghìn tỷ đồng đầu tư tại các công ty con. Trong đó, khoản đầu tư lớn nhất là CTCP Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Agresco với hơn 1.250 tỷ đồng, tương đương 75,21% vốn cổ phần Agresco.
Thứ hai là khoản đầu tư 448 tỷ đồng tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam, tương ứng tỷ lệ 100%. Agribank cho hay, trong năm qua, Ngân hàng đã phê duyệt quyết định rút một phần vốn điều lệ đã cấp cho công ty này theo lộ trình 2 đợt với tổng số tiền rút là 300 tỷ đồng. Trong năm 2016, số vốn rút theo đợt 1 là 140 tỷ đồng.
Thuyết minh của BCTC cho biết trong năm qua, Agribank thực hiện nhận sáp nhập 100% vốn đầu tư tại 2 công ty là Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý TP HCM - NHNo&PTNT Việt Nam (VJC-Agribank) và Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Phát triển Hải Phòng vào ngân hàng.
Về phần góp vốn liên doanh, tại Công ty TNHH Liên doanh Quản lý Đầu tư Agribank - VGFM (AVIM) (liên doanh giữa Agribank và Công ty Vietnam Global Fund Management LLC), Agribank vẫn đang sở hữu 51% vốn điều lệ, tương đương 8,2 tỷ đồng. Ngân hàng cho hay, kể từ ngày thành lập công ty chưa triển khai nghiệp vụ quản lý quỹ. Ngày 5/5/2008, UBCK NN đã ra quyết định thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của công ty. Và cho đến thời điểm lập BCTC này, AVIM vẫn trong quá trình thực hiện thủ tục giải thể.
Về phần đầu tư vào công ty liên kết, trong năm 2016, Công ty Chuyển mạch Tài chính Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng, do đó, Agribank giảm tỷ lệ sở hữu tại đây còn 8%, tương đương 25 tỷ đồng.
Agribank vẫn đang sở hữu 2,55% vốn LienVietPostBank, tương ứng 165 tỷ đồng. Ngoài ra còn có Quỹ Bảo lãnh Tín dụng Yên Bái với 8,39%.
Tính đến 31/12/2016, lượng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành mà Agribank nắm giữ khoảng 45,7 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm cuối năm trước. Trong đó, ngân hàng trích dự phòng khoảng 11,6 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2015.
Ngoài ra, Agribank còn nắm gần 170 tỷ đồng trái phiếu Công ty Mua bán Nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC).
Theo Kim Tiền/ Trí thức trẻ