Bà Phạm Chi Lan: Lùi Dự Luật Đặc khu là một trong những quyết định sáng suốt nhất

Theo bà Lan, việc lùi Dự Luật Đặc khu là một tiền lệ tốt để khi người dân có ý kiến, cơ quan Chính phủ, Quốc hội sẽ biết lắng nghe và dừng đúng lúc các "quyết định chưa chín".
Bà Phạm Chi Lan: Lùi Dự Luật Đặc khu là một trong những quyết định sáng suốt nhất

Một tiền lệ tốt về sau để cơ quan Nhà nước lắng nghe nhân dân

Sáng 9/6, trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ, bà hết sức vui mừng khi nhận được thông tin Chính phủ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu).

Bà nói, đây là một trong những quyết định sáng suốt nhất mà Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra từ trước đến nay, nhất là vào thời điểm hiện tại, khi đang có nhiều ý kiến khác nhau. Quyết này thể hiện sự lắng nghe của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với ý kiến của các chuyên gia, trí thức, nhân dân lo lắng về những điều chưa ổn trong Dự án Luật.

Đây là một tiền lệ tốt để sau này khi có vấn đề gì nếu người dân nêu ý kiến thì các cơ quan Chính phủ, Quốc hội sẽ biết cách lắng nghe, dừng lại đúng lúc các "quyết định chưa chín".

Điều quan trọng hơn cả, theo bà Lan việc lùi này sẽ giúp Chính phủ, Quốc hội có thời gian xem xét thêm về các chi tiết được quy định trong Dự Luật còn nhiều ý kiến khác nhau nhằm chỉnh sửa, hoàn thiện cho phù hợp.

"Tôi mong rằng, kỳ họp tới sẽ có một Dự Luật tốt hơn rất nhiều, đảm bảo yêu cầu các mặt nhằm phát triển đột phá gắn với bảo vệ đất nước, thực hiện nguyện vọng của nhân dân, đề xuất của chuyên gia được thông qua.

Ngoài ra, qua đây nhiều người mong rằng, sẽ tạo dịp tốt để Nhà nước, các chuyên gia, người dân có thể cùng ngồi lại với nhau để bàn thảo sâu, thấu đáo hơn về tất cả những điều cần thiết nhằm phát triển đất nước", bà Lan nói.

Vị chuyên gia kinh tế cho biết, bà đã nhiều lần lên tiếng và thời gian tới đang cùng đồng sự tiếp tục hoàn thiện một bản nghiên cứu chỉ rõ các điểm chưa ổn trong Dự Luật, kèm phụ lục và đưa ra các đề xuất khắc phục cụ thể, phù hợp chủ trương lớn mà Đảng, Nhà nước đưa ra.

"Điều mà tôi trăn trở nhất trong Dự Luật này là mở ra rất nhiều thậm chí không ít thứ không thích đáng như ưu đãi về thuế, đất đai... nhưng lại chưa đưa các cái khóa cần thiết, quan trọng như các Luật khác mà chúng ta xây dựng trước đây.

Do đó, trong bản nghiên cứu, đề nghị tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất các cách khắc phục cụ thể gửi cơ quan chức năng nhằm đảm bảo sự phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiều mặt và chặt chẽ cần thiết của Dự Luật", bà Lan nêu.

Xây dựng đặc khu theo mô hình cũ không phù hợp

Bà Phạm Chi Lan chỉ rõ, hiện nay đặc khu ở các nước đã phát triển lên thế hệ cao nên nếu Việt Nam đã chậm, đi sau hẳn mà lại xây dựng theo kiểu cũ như tinh thần Dự Luật thì sẽ không còn phù hợp và phát huy tác dụng cần thiết.

"Trong thời đại cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và Việt Nam đã tham gia nhiều FTA (Hiệp định thương mại tự do), mở cửa sâu rộng nên mô hình đặc khu theo kiểu cũ đã không còn phù hợp nữa.

Thêm vào đó, trong Dự Luật đưa ra rất nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư tại đặc khu, điều này không đúng với các cam kết trong việc tạo lập môi trường đầu tư bình đẳng cho các nhà đầu tư khác nhau ở Việt Nam.

Đặc biệt gây chèn lấn đối với người dân, doanh nghiệp Việt Nam khi có lĩnh vực người Việt không được làm nhưng nay lại cho người nước ngoài làm với nhiều ưu đãi.

Do đó, qua việc dừng thông qua Dự Luật, chúng ta cần xem xét thật kỹ các vấn đề này để có thay đổi phù hợp", bà Lan nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, những nhân tố thành công của đặc khu kinh tế như các chuyên gia quốc tế nêu ra rất cần tham khảo sau khi tạm dừng thông qua Dự Luật.

Cụ thể, về vị trí của đặc khu kinh tế, tính kết nối và gắn kết với các cụm công nghiệp trong nước, sự nổi trội về môi trường và xã hội, ưu đãi thông minh, chú trọng tới đầu tư chiến lược, hệ thống quản trị, theo dõi và đánh giá tốt.

Bà Lan dẫn ví dụ, về vị trí của đặc khu kinh tế có nhất thiết phải ấn định ngay trong luật ba địa điểm như dự thảo không, hay nên để ngỏ các địa danh để sau khi có khung pháp luật sẽ xác định rõ các mục tiêu cụ thể, phù hợp với lợi thế của từng nơi trước khi quyết định.

Nữ chuyên gia nhấn mạnh, một số ý kiến nêu nên thành lập thí điểm một đặc khu rồi sau đó rút kinh nghiệm, nhưng cá nhân bà thấy, nếu muốn sớm thử nghiệm về thể chế, tập trung phát triển công nghệ có thể thành lập 2 đặc khu cùng lúc và không cần mở ra mới hoàn toàn.

"Nếu xét trên nền tảng công nghệ, chúng ta đã có hai khu công nghệ cao ở Hòa Lạc (TP.Hà Nội) và Quang Trung (TP.HCM).

Đây là 2 khu được đặt ở hai thành phố đầu tàu, vốn có một số điều kiện gần với các nhân tố thành công, có thể sẵn sàng làm thử nghiệm ngay và cần thiết, tăng cường các thiết chế tốt hoặc mở rộng diện tích thành đặc khu.

Việc thử nghiệm như vậy sẽ đem lại kết quả sớm hơn, đỡ tốn kém thời gian và nguồn lực hơn các nơi khác. Nếu thành công, với 2 thành phố đầu tàu, tác động lan tỏa ra các vùng xung quanh và cả nước sẽ rất tốt", bà Lan nêu quan điểm.

Trước đó, Văn phòng Quốc hội cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý Dự án Luật theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm.

Đồng thời, để tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội cho phép xem xét, thông qua Dự án Luật này tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV theo quy trình xem xét, thông qua Dự án Luật tại ba kỳ họp.

Theo Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…