Bà Rịa – Vũng Tàu: Dự án KDL Trung Sơn – Hồ Tràm “treo” gần 20 năm, nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước

Đã gần 20 năm kể từ khi được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao hơn 11ha đất cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Sơn để thực hiện dự án Khu du lịch Trung Sơn – Hồ Tràm, cho đến nay, dự án này vẫn chưa được triển khai, nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước.

Từ được miễn tiền sử dụng đất…

Theo đó, ngày 16/4/2002, tại văn bản số 1356/UB-VP, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấp thuận chủ trương đầu tư để Công ty TNHH Trung Sơn (nay là Công ty CP Đầu tư Trung Sơn) thực hiện dự án Khu du lịch Trung Sơn - Hồ Tràm với diện tích hơn 11ha, tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.

Khu đất này trước đây là của Công ty Liên hiệp Dầu thực vật Đồng Nai, trong thời gian 1987 - 1988, công ty này giao đất cho nhiều người dân địa phương để  canh tác sản xuất.

Đã gần 20 năm trôi qua kể từ ngày được giao đất, dự án Khu du lịch Trung Sơn - Hồ Tràm vẫn chỉ là bãi đất hoang, nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước
Đã gần 20 năm trôi qua kể từ ngày được giao đất, dự án Khu du lịch Trung Sơn - Hồ Tràm vẫn chỉ là bãi đất hoang, nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước

Đến ngày 15/7/2003, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có Quyết định 6561/QĐ.UB phê duyệt quy hoạch 1/500 cho dự án và sau đó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T00885 vào ngày 21/1/2005 (giao đất miễn tiền sử dụng đất).

Tuy nhiên, kể từ khi được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến nay Công ty Trung Sơn vẫn chưa thực hiện các thủ tục để triển khai dự án như: Lập và trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa lập thiết kế cơ sở, chưa được phê duyệt phòng cháy chữa cháy, chưa làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng và dự án này thuộc vào diện chậm triển khai.

Không những thế, theo đơn phản ánh gửi cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí của bà Hà Thị Hoà, một người dân tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thay vì vay vốn để triển khai dự án và đưa đất vào sử dụng thì Công ty Trung Sơn lại thế chấp toàn bộ dự án tại ngân hàng để bảo lãnh cho một công ty khác vay tiền dùng vào việc khác.

“Như vậy, có thể thấy nhà nước thất thu ngân sách khi ưu đãi đầu tư sai đối tượng, Công ty Trung Sơn hưởng lợi bằng việc dùng tài sản nhà nước giao đất không thu tiền để bảo lãnh cho công ty khác vay tiền ngân hàng”, bà Hoà bức xúc.

Tương tự, cũng liên quan đến việc chậm triển khai của dự án Khu du lịch Trung Sơn – Xuyên Mộc, trong đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Hảo, trú tại tổ 2, khu phố Kim Hải, TP.Bà Rịa, đã tố cáo Công ty Trung Sơn chiếm đất của gia đình bà và cho biết công ty này không có năng lực thực hiện dự án khi để dự án “treo” gần 20 năm không thực hiện, gây thiệt hại về kinh tế, gây bất ổn về trật tự xã hội và xâm hại lợi ích gia đình bà cũng như gây lãng phí nghiêm trọng và thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

… đến đóng 7,6 tỷ đồng cho 11ha đất

Theo đó, ngày 5/6/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản số 2520/STNMT-CCQLĐĐ kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấm dứt hoạt động dự án Khu du lịch Trung Sơn – Xuyên Mộc và UBND tỉnh đã có văn bản số 5854/UBND-VP ngày 27/6/2017 thông nhất với nội dung này của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, bất ngờ, ngày 12/7/2017, Công ty CP Đầu tư Trung Sơn lại có văn bản đề nghị được tiếp tục thực hiện dự án Khu du lịch Trung Sơn – Xuyên Mộc.

Việc dự án Khu du lịch Trung Sơn chậm triển khai, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân nơi đây, gây ra khiếu kiện kéo dài
Việc dự án Khu du lịch Trung Sơn chậm triển khai, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân nơi đây, gây ra khiếu kiện kéo dài

Trước kiến nghị trên, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản số 190/TB-UBND ngày 1/4/2019, giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh, UBND huyện Xuyên Mộc và các cơ quan liên quan rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý của dự án, tham mưu UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy về việc giãn tiến độ dự án.

Trong khi cơ quan chức năng đang tiến hành rà soát pháp lý dự án thì ngày 6/2/2020, Chi cục Thuế khu vực Xuyên Mộc – Châu Đức lại có thông báo xác nhận Công ty CP Đầu tư Trung Sơn đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đối với diện tích hơn 11ha thuộc dự án Khu du lịch Trung Sơn – Hồ Tràm bị thu hồi giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư với số tiền hơn 7,6 tỷ đồng.

Điều này đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi, căn cứ theo cơ sở nào để tính tiền sử dụng đất 7,6 tỉ với diện tích hơn 11ha; trong khi giá đất giao dịch tại khu vực này năm 2019 đã là 7-8 triệu đồng/m2. Phải chăng việc tính tiền sử dụng đất như trên đang gây thất thoát ngân sách nhà nước?

Điều đáng nói là tại sao UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lại không dứt khoát chấm dứt dự án Khu du lịch Trung Sơn – Hồ Tràm gần 20 năm không triển khai, ảnh hưởng đến cuộc sống và gây nhiều bức xúc cho người dân, nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước.

Trong khi, chính tại mục 5 Điều II, Quyết định số 6561/QĐ.UB ngày 15/7/2003 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã nêu rõ: “Nghiêm cấm việc chuyển nhượng dự án trong quá trình triển khai công tác đầu tư và xây dựng. Trong trường hợp chủ đầu tư không thể tiếp tục đầu tư được theo kế hoạch đã cam kết trong tờ trình xin thuê đất, phải giao trả đất lại cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để UBND tỉnh xem xét cho đơn vị khác có nhu cầu thuê, đủ năng lực và tiếp tục triển khai dự án theo đúng kế hoạch và quy hoạch được phê duyệt”.

Mặc khác, theo Luật sư Trần Thu, Đoàn Luật sư TP.HCM, tại Điều 64 Luật Đất đai 2013 cũng quy định rõ: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng, nếu không sẽ bị thu hồi để đấu thầu, đấu giá để giao đất cho chủ đầu tư khác có năng lực để triển khai dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí đất đai.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…