Bằng cách nào Novaland “lớn nhanh như thổi” thành công ty tỷ đô?

Giá trị vốn hóa trên sàn chứng khoán khoảng 1,6 tỷ USD, Novaland trở thành công ty bất động sản lớn thứ 2 thị trường, chỉ sau tập đoàn Vingroup.
Bằng cách nào Novaland “lớn nhanh như thổi” thành công ty tỷ đô?

Novaland giới thiệu dự án bất động sản ra thị trường miền Bắc 

Dù có 24 năm hình thành và phát triển, nhưng thực chất Novaland bước chân vào BĐS chỉ từ lúc tái cấu cấu trúc vào năm 2007 từ Công ty TNHH TM Thành Nhơn, tách thành 2 công ty là Novaland (bất động sản) và Anovacorp (thức ăn gia súc). Khi đó vốn thành lập Novaland chỉ hơn 95 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chỉ vài năm gần đây Novaland đã vươn lên thành một tập đoàn phát triển BĐS hàng đầu Việt Nam, với giá trị vốn hóa trên sàn chứng khoán khoảng 1,6 tỷ đôla, nhờ mô hình kinh doanh “khác người”, nhạy bén.

Bằng cách nào Novaland “lớn nhanh như thổi” thành công ty tỷ đô? ảnh 1

“Độc chiêu” bán hàng

Thông thường các nhà phát triển BĐS đều thuê các công ty phân phối hoặc các đại lý để bán sản phẩm ra thị trường với mức hoa hồng dao động từ 2-3% giá trị sản phẩm, còn Novaland lại sử dụng mô hình bán hàng mà ít chủ đầu tư làm, đó là tự đào tạo đội ngũ sale và tư vấn cho riêng mình.

Chẳng hạn Vingroup thì thuê rất nhiều đại lý cấp 1, cấp 2…để cung ứng sản phẩm của tập đoàn này ra thị trường, FLC và nhiều chủ đầu tư BĐS khác thuê các sàn môi giới như Đất Xanh, Siêu thị dự án, Danh Khôi, Hưng Thịnh,…

Nhưng, Novaland lại tự lập sàn BĐS và sử dụng chính nhân viên của tập đoàn này để bán sản phẩm của mình. Cách làm này không mấy DN BĐS sử dụng bởi chi phí tiền lương khá lớn. Đổi lại chủ đầu tư có thể tạo dựng được uy tín, lấy được niềm tin của khách hàng nhờ cách tư vấn chuyên sâu và chuyên nghiệp mà chính họ đào tạo cho nhân viên.

Cách làm này trong vài năm gần đây của Novaland đã phát huy tác dụng. Mỗi năm tập đoàn này tiêu thụ tới 6.000 – 7000 căn hộ, chiếm lĩnh thị phần địa ốc Sài Gòn, cứ 10 người mua nhà thì có tới 3 người mua sản phẩm của Novaland.

Bằng cách nào Novaland “lớn nhanh như thổi” thành công ty tỷ đô? ảnh 2

Doanh số bán căn hộ của Novaland tăng rất nhanh trong một vài năm qua. Năm 2014, công ty này đạt 6.673 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là từ bán căn hộ.

Trong năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2016, Novaland liên tiếp mở bán hàng loạt dự án mới, nâng tổng số lượng nâng tổng số dự án đang phát triển lên con số 34. Doanh số năm 2016 đã cán mốc 8000 căn, tăng 15% so với năm ngoái.

Cho đến nay, đội ngũ nhân sự của Novaland lên tới 2.300 người, trong đó riêng chuyên viên tư vấn bán hàng lên tới 614 người.

Đại diện Novaland, cho biết cách làm này sẽ phát huy tối đa năng lực của nhân viên nhờ chính sách hoa hồng hấp dẫn. Mức hoa hồng dao động từ 0,6% - 1% cho đội ngũ tư vấn, từ 1% - 2,5% cho các môi giới và từ 0,3% - 1,5% cho các đối tác, bao gồm cả CBCNV của Tập đoàn Novaland.

Vì thế, hiện nay Novaland đang là công ty sở hữu nhiều sàn giao dịch BĐS nhất Việt Nam với 11 sàn ở khắp Tp.HCM và 3 chi nhánh, có thể tư vấn bán hàng ở nhiều khu vực khác nhau. Đến nay Novaland đã có hơn 120 ngàn lượt khách đến tìm hiểu và giao dịch, trong đó hơn 50% giao dịch thành công là từ mối liên kết của khách hàng hiện hữu.

Nhờ đội ngũ nhân viên hùng hậu, am hiểu sâu về dự án nên việc tư vấn tiếp thị sẽ có lợi thế hơn rất nhiều các môi giới tự do. Hơn nữa, họ có thể triển khai cách bán BĐS hình thành trong tương lai (presale) một cách hiệu quả.

Tức là Novaland huy động vốn ứng trước của khách hàng nhờ vào thương hiệu và uy tín của mình khi dự án bắt đầu hình thành. Điều này giúp cho Novaland tận dụng tốt nguồn vốn nhàn rồi trong dân. Báo cáo tài chính hợp nhất, cho thấy chỉ trong 9 tháng 2016, khoản tiền ứng trước của người mua nhà lên tới 5.569 tỷ.

Điều này giúp cho công ty này có dòng tiền tốt, giảm áp lực vốn khi hàng chục dự án cùng triển khai một lúc.

Trở thành công ty tỷ đô nhờ gom “xác chết”

Có trong tay đến nay lên tới 40 dự án BĐS lớn nhỏ chỉ trong thời gian ngắn là bởi 3 năm qua Novaland liên tục mua lại các dự án “chết lâm sàng”. Với triết lý “ai nắm trong tay quỹ đất sạch lớn người đó sẽ có lợi thế”, Novaland thực hiện chiến lược phát triển quỹ đất thông qua “săn” các dự án có vị trí đắc địa, đã hoàn thành về mặt pháp lý, có thể triển khai xây dựng nhằm rút ngắn thời gian và giảm chi phí vốn.

Năm 2014 Novaland mua lại và phát triển 7 dự án, đến 2015 con số này là 12. Trong 2 năm qua, tập đoàn này đã bỏ ra 11.000 tỷ đồng để thực hiện các thương vụ M&A. Trong đó, nhiều thương vụ nổi bật có giá trị nghìn tỷ như Water Bay và Lakeview City (5000 tỷ), Saigon Mê Linh Tower (1600 tỷ), The Tresor (976 tỷ) và RiverGate (936 tỷ)…Có thể nói, Novaland là đơn vị thâu tóm nhiều dự án nhất trong 2 năm qua.

Bằng cách nào Novaland “lớn nhanh như thổi” thành công ty tỷ đô? ảnh 3

Quỹ đất, dự án của Novaland ngày càng phình to thông qua chiến lược M&A. Vị trí các dự án nằm chủ yếu ở các khu trung tâm Sài Gòn.

Cách Novaland thâu tóm dự án cũng khác nhiều “ông lớn” địa ốc khác. Họ thường mua đứt hoặc hợp tác đầu tư với các DN đã có sẵn dự án đang “đắp chiếu”, trong khi nhiều DN khác thông qua con đường IPO, đấu giá để gom đất vàng chẳng hạn như BGR hay Tân Hoàng Minh.

Việc chủ động mua lại các dự án giúp Novaland có thể nhắm được vị trí và quy mô phù hợp. Nói như ông Trần Khánh Quang, một chuyên gia BĐS, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa thì “Novaland hay hơn các công ty khác là vị trí dự án của họ không tập trung. Họ chọn vị trí cho các dự án tốt với quy mô nhỏ”.

Mỗi dự án của Novaland thường dao động 300 đến 1000 căn, và đều nằm ở khu trung tâm Sài Gòn. Cộng với việc mua lại dự án đã có sẵn đất sạch, thủ tục pháp lý. Vì thế, dự án được xây dựng và bàn giao trong thời gian ngắn, do đó các chi phí phát sinh được giảm thiểu, quay vòng vốn nhanh, giảm thiểu áp lực vốn cho hàng loạt dự án họ đang phát triển.

Trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, Tập đoàn Novaland đã tận dụng cơ hội, thực hiện M&A hàng loạt các dự án để tích lũy được hơn 9,8 triệu m2 diện tích sàn xây dựng, đủ để phát triển ổn định trong vòng 5 năm tới.

Theo Trí thức trẻ

>> Novaland ồ ạt làm dự án “khủng”, xoay vốn nhờ... "in giấy"?

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…