Bất động sản Hà Nam: Vùng đất vàng bị “bỏ ngỏ”

Hà Nam là tỉnh có vị trí chiến lược, quỹ đất rộng và hạ tầng giao thông hoàn thiện và được đánh giá là một điểm đầu tư tiềm năng cho bất động sản. Song, nhìn nhận về thị trường bất động sản khu vực này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tạo nhiều điểm nhất, phát triển khu đô thị hiện đại...

anh-1-1666062525-211.jpg
Hà Nam rất có tiềm năng phát triển bất động sản nhưng chưa thực sự thúc đẩy, phát triển đúng với các tài nguyên sẵn có

Ngày 26/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đã ký ban hành Quyết định số 1686/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030. Trong đó, Hà Nam đặt ra ba đột phá chính để phát triển trong thời gian tới: đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại và đồng bộ; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; và đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ.

Theo đó, thị trường bất động sản tại đây bắt đầu rục rịch dậy sóng kéo theo việc phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đặc biệt quan trọng tại địa phương.

Trong đó, nút giao Phú Thứ liên kết cao tốc Hà Nội - Ninh Bình với Vành đai 5 và đường địa phương. Hoàn thành nút giao này sẽ mở rộng mạng lưới kết nối, cân bằng phát triển kinh tế giữa các vùng trong tỉnh, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.

Sự phát triển hạ tầng này kèm theo sự tập trung mạnh mẽ vào các khu công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài đã dẫn đến nhu cầu nhà ở gia tăng, đặc biệt là cho chuyên gia nước ngoài và lao động chất lượng cao. Thị trường bất động sản Hà Nam hiện đang có tiềm năng lớn với nhu cầu về nhà ở, nhà cho thuê, trung tâm thương mại và giải trí ngày càng tăng cao, tuy nhiên lại có sự phát triển chưa tương xứng.

PHÁT TRIỂN CHƯA TƯƠNG XỨNG

Chia sẻ tại toạ đàm “Thị trường Bất động sản Hà Nam - Sẵn sàng cho một chu kỳ mới”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, Hà Nam là địa phương có tính chất tương đồng với Hà Nội nằm trong vùng kinh tế và vệ tinh của Thủ đô.

Xét về lợi thế, Hà Nam khá giống với Bắc Ninh, Hưng Yên, song, so về độ phát triển dường như Hà Nam đang chậm 1 nhịp so với các tỉnh này.

Ông Đính cho rằng, Bắc Ninh là địa phương chớp thời cơ sớm hơn, họ đã đi trong quãng thời gian 10 năm trở lại đây và trở thành đô thị vệ tinh rất sát sao với Hà Nội.

Còn Hưng Yên vài năm trở lại đây tỉnh bắt đầu phát triển, đi lên. Đáng chú ý, ở Hưng Yên tập trung phát triển các đại đô thị lớn, hiện đại và đáp ứng các tiêu chuẩn xanh.

“Nhìn lại Hà Nam rõ ràng rất có tiềm năng nhưng chưa thực sự thúc đẩy, phát triển đúng với các tài nguyên sẵn có. Tôi nghĩ, Hà Nam trầm lắng hơn các tỉnh vệ tinh Thủ đô vì chưa có những nhân tố thúc đẩy tác động vào lợi thế của Hà Nam, nên sức bật yếu.

anh-man-hinh-2024-07-29-luc-070131-3366.png
Toàn cảnh toạ đàm “Thị trường Bất động sản Hà Nam - Sẵn sàng cho một chu kỳ mới”

Tuy nhiên, tin vui của thị trường này là theo quy hoạch tỉnh Hà Nam sẽ sớm phát triển hạ tầng, cơ sở dịch vụ đưa thành phố Phủ Lý thành thành phố đô thị chất lượng cao. Đồng thời, có sự xuất hiện 1 loạt ông lớn làm tổ tại Hà Nam. Hơn nữa, Hà Nam nằm trong tứ giác kinh tế, nằm trên trục kinh tế Bắc Nam nên lợi thế cực kỳ mạnh cần khai thác.

Dù Hà Nam đi chậm hơn Bắc Ninh, Hưng Yên, nhưng Chủ tịch VARS coi đây là may mắn của tỉnh này. Nhiều dự án đi trước của các tỉnh đang gặp khó khăn về pháp lý, nguồn lực, tuy nhiên, Hà Nam lại đang rất “yên bình”.

Do vậy, để thị trường bất động sản của tỉnh được phát triển mạnh mẽ, những nhà lãnh đạo tỉnh Hà Nam cần cần xem xét, đưa ra bài học của những địa phương đi trước. Từ đó, cần nghiêm chỉnh thực hiện, tránh những việc xấu.

Về nhà đầu tư, những nhà đầu tư từ chịu trận khủng hoảng, cũng nên có bài học để phát triển tại Hà Nam, tránh để xảy ra sai phạm không đáng có trong quá trình triển khai dự án.

Cũng tại toạ đàm, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư bất động sản muốn đầu tư vào tỉnh, thành phố nào nên chú ý vào quy hoạch. Nếu đầu tư lọ mọ các dự án nghĩa là tầm nhìn chưa đủ.

Toàn bộ Đồng bằng sông Hồng có 11 tỉnh và triển vọng của thị trường bất động sản Hà Nam thể hiện ở chỗ, đây là một trong những tỉnh được ưu tiên đầu tư và phát triển, bởi sự bùng nổ phát triển sẽ tập trung vào những vùng trọng điểm quốc gia.

“Đây là tỉnh tuy có quy mô dân số nhỏ nhưng đi đầu về đô thị hóa, có đà phát triển mạnh mẽ trong số 4 tỉnh thành với tỷ lệ đô thị hóa ở mức khoảng 30,7% vào năm 2020”, ông Thiên nhấn mạnh.

Dù vậy, vị chuyên gia cũng lưu ý tỷ lệ đô thị hóa có thể cao hơn so với các địa phương nhưng chất lượng đô thị hóa chưa cao. Điều này được chứng minh khi Hà Nam chưa có các không gian đô thị lớn. Tuy nhiên, đây cũng là điểm lợi thế cho các nhà đầu tư vào đây để phát triển các đô thị.

“Tôi cho rằng, hai điểm đặc biệt quan trọng của Hà Nam từ năm 2021 đến nay. Một là, kết nối phát triển du lịch với khu du lịch tâm linh Tam Chúc. Thứ hai, Hà Nam đã "mời" được các nhà đầu tư tầm cỡ để định hình "cuộc chơi" đô thị. Và có lẽ, thời gian tới, thị trường bất động sản ở Hà Nam sẽ có những thành quả nhất định”, vị chuyên gia kinh tế nhận định.

CƠ HỘI CHO NHÀ ĐẦU TƯ “ĐI TẮT ĐÓN ĐẦU”

Về mức giá, theo bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng VARS IRE giá bất động sản Hà Nam chỉ bằng 1/3 - 2/3 giá đất tại các địa phương có vị trí và tiềm năng tương đương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên.

Mặt bằng giá ở tỉnh Hà Nam vẫn ở mức rất cạnh tranh, còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai. Hà Nam là thị trường mới, cơ hội tốt cho các nhà đầu tư biết “đi tắt đón đầu".

Bà Miên nêu, Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030 định hướng Hà Nam trở thành trung tâm công nghiệp - công nghệ cao. Đồng thời, đây là tỉnh có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp như tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, vị trí kết nối tốt với các khu vực lân cận, cơ chế chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư và nguồn nhân lực dồi dào… và khu vực công nghiệp đang giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 1.205 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó, 397 dự án FDI với vốn đăng ký 6.278 triệu USD và 808 dự án trong nước với vốn đăng ký 172.796 tỷ đồng

“Nhưng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ yếu quy mô là vừa và nhỏ, năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế. Còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng cho các doanh nghiệp vẫn còn tình trạng ô nhiễm, ngập úng cục bộ trong và ngoài khu công nghiệp”, Phó Viện trưởng VARS IRE chia sẻ.

khu-cong-nghiep-ho-tro-dong-van-iii-thi-xa-duy-tien-tinh-ha-nam-522020231121110546-4258.jpg
Hà Nam tỉnh có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp

Dù rất tiềm năng, song thị trường bất động sản Hà Nam chưa phát triển nhiều loại hình sản phẩm đa dạng, chủ yếu tập trung vào phân khúc bất động sản nhà ở và bất động sản khu công nghiệp, chưa có các khu đô thị quy mô, cao cấp.

Bù lại, bà Miền đánh giá, bất động sản ở tỉnh này phát triển tương đối ổn định, không có hiện tượng sốt, nóng nhưng đang có sức hút đầu tư mạnh dần và cho thấy dấu hiệu tăng trưởng ổn định.

Các dự án quy mô lớn triển khai trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi tích cực với hành lang pháp lý đang dần hoàn thiện giúp thị trường Hà Nam đứng trước cơ hội “tỏa sáng".

Bên cạnh đó, nhu cầu về nhà ở ổn định đối với người lao động tại Hà Nam là vô cùng lớn. Nhất là các khu vực đầu mối giao lưu về kinh tế, nơi tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp lớn của tỉnh.

Đặc biệt, Hà Nam chưa trải qua sốt đất, giá vẫn còn thấp so với các tỉnh/thành có vị trí, tiềm năng tương đương. Là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư biết bỏ vốn thấp, chi phí rẻ; ít rủi ro trong khi cơ hội tăng trưởng cao.

“Bất động sản Hà Nam là “miền đất hứa" của các nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh giá bất động sản tại các tỉnh miền Bắc đã không còn nhiều dư địa tăng trưởng, đây là thị trường mới đầy tiềm năng cho “dòng vốn" đầu tư bất động sản ven đô”, nữ chuyên gia phân tích.

Theo báo cáo của VARS, quý 1/2024, giá bất động sản Hà Nam duy trì ổn định, đi ngang so với cuối năm 2023. Chủ yếu là các sản phẩm “cắt lỗ” của các nhà đầu tư Hà Nam do gặp áp lực tài chính, muốn cơ cấu lại danh mục đầu tư sau thời gian dài bị “chôn vốn”.

Quý 2/2024, giá bất động sản tăng nhẹ, từ 3-5% so với quý trước, được thúc đẩy bởi các cơn “sóng” nhỏ từ hạ tầng, thông tin triển khai dự án quy mô lớn cũng như nhu cầu đầu tư dịch chuyển từ các thị trường khác.

Một số khu vực ghi nhận hiện tượng “sốt nóng" cục bộ, giá tăng trưởng nóng, không có cơ sở, cao hơn tới 30% so với cuối năm 2023 do các nhóm đầu cơ tạo thông tin nhiễu loạn, đẩy giá, thổi giá nhằm trục lợi.

Mặt bằng giá mới này vẫn đang được duy trì dù không có thanh khoản do các nhà đầu tư fomo không gặp khó khăn về dòng tiền, không có ý định “cắt lỗ", chấp nhận bị chôn vốn và chờ sóng tăng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Sự kiện ra mắt nhà mẫu Vinhomes The Premium đã thực sự làm nóng thị trường bất động sản Thanh Hóa, với thiết kế lấy cảm hứng từ những khu vườn Nhật Bản, cùng hệ thống tiện ích đẳng cấp 5 sao như bể bơi vô cực...

Aqua City là một trong những dự án then chốt của Novaland

Novaland nhận tin vui khi nút thắt pháp lý Aqua City được tháo gỡ

Ngày 19/11, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức chính thức phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung 1/10.000, đánh dấu bước quyết định trong việc tháo gỡ pháp lý cho dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland, vốn đã bị vướng mắc hơn 2 năm qua…