Bát nháo đào tạo chứng chỉ môi giới bất động sản

Hiện nay, thị trường chứng chỉ môi giới bất động sản đang nóng lên, nhưng chất lượng đào tạo lại chưa đồng đều...

anh-man-hinh-2024-10-05-luc-174951-8118.png
Môi giới bất động sản có vai trò rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh bất động sản

Môi giới bất động sản đang “tất bật” chuẩn bị tham gia thi sát hạch lấy chứng chỉ hành nghề, nhằm đáp ứng các yêu cầu pháp luật mới về kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8, quy định 100% môi giới phải có chứng chỉ hành nghề.

Tuy nhiên, việc tổ chức đào tạo và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hiện còn nhiều bất cập về chất lượng đào tạo và công tác tổ chức thi, khiến quá trình này trở nên phức tạp và chưa thực sự hiệu quả.

NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?

Báo cáo mới nhất của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đã đưa ra nhiều nguyên nhân khiến việc đào tạo môi giới bất động sản không chuẩn chỉ. Thứ nhất, về chất lượng khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản.

Theo quy định pháp luật mới về kinh doanh bất động sản, giấy chứng nhận hoàn thành khóa học quản lý đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản là một trong những điều kiện cần để dự thi kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.

Trước yêu cầu đó, thời gian gần đây, hàng loạt các khóa học đào tạo đã được tổ chức, chủ yếu dưới dạng trực tuyến, nhưng chất lượng các chương trình không đồng đều. Ghi nhận của VARS và phản ánh của hội viên, các khóa học đào tạo được quảng cáo “nhanh chóng, chăm sóc từ học tới thi”.

Tại buổi học, rất nhiều học viên tham gia không nghiêm túc, làm việc riêng trong giờ, thậm chí không tham gia học. Giáo trình chưa bám sát yêu cầu thực tế của nghề nghiệp, hoặc nội dung giảng dạy chưa được cập nhật theo các quy định pháp luật mới nhất.

Nhiều cơ sở đào tạo thiếu giảng viên có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực môi giới hoặc không có kiến thức chuyên sâu về luật và quy định hiện hành. Bài kiểm tra đánh giá để cấp giấy chứng nhận cũng chỉ mang tính hình thức.

Đáng chú ý, các khóa học như kể trên lại rất “hút khách". Còn các khóa học được tổ chức bởi các đơn vị chuyên nghiệp, uy tín với nội dung giảng dạy chất lượng và sát với thực tế, lại kém thu hút. Thậm chí bị học viên “ngó lơ" do yêu cầu khắt khe trong việc học và thi.

"Các khóa học chất lượng không đảm bảo được tổ chức “ngang nhiên" bởi công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới, điều hành sàn giao dịch còn lỏng lẻo, dù đã được quy định tại điều khoản thi hành của thông tư hướng dẫn về chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề", VARS đưa ra.

6876920230607145233-440.jpg
Đến nay chỉ có khoảng 40.000 môi giới bất động sản được cấp chứng chỉ hành nghề

Thứ hai là các vấn đề liên quan đến tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy, tới thời điểm hiện tại, cả nước mới chỉ có khoảng 40.000 môi giới bất động sản được cấp chứng chỉ hành nghề, rất ít so với số lượng môi giới đang hành nghề trên cả nước. Do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Cụ thể, rất nhiều môi giới bất động sản không tham gia các khóa học đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề và kỳ thi sát hạch cấp chứng chứng chỉ hành nghề do không “sợ” phạt.

Theo đó, Nghị định 16/2022/NĐ-CP về Quy định xử phạt hành chính về xây dựng, có hiệu lực từ đầu năm 2022, đã có quy định xử phạt hành chính đối với cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề.

Song, tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin về bất cứ trường hợp xử phạt nào. Thậm chí, tại một số địa phương có thị trường bất động sản sơ khai, nhiều “cò đất” còn không biết tới các quy định mới này.

Ngoài ra, chuyên gia VARS cho hay, còn nguyên nhân khách quan, do việc tổ chức các kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ môi giới bất động sản chưa được triển khai đồng bộ và rộng khắp trên cả nước.

Theo đó, rất nhiều môi giới có ý định gắn bó lâu dài với nghề, đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản, đã tham gia các khóa học bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, sẵn sàng tham gia các kỳ thi sát hạch nhưng phải chờ đợi lâu để có cơ hội dự thi. Điều này gây khó khăn cho những người đang hành nghề hoặc muốn nhanh chóng được cấp chứng chỉ.

Đến thời điểm hiện tại, Luật mới đã có hiệu lực được 2 tháng, nhưng vẫn chưa có bất kỳ tỉnh, thành nào công bố kế hoạch tổ chức kỳ thi sát hạch. Bởi theo quy định pháp luật mới, trách nhiệm tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ được chuyển sang UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương - đơn vị không có kinh nghiệm, không có cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này. Do đó, nhiều khả năng môi giới vẫn tiếp tục khó tiếp cận chứng chỉ bởi các địa phương vẫn “e ngại", chưa sẵn sàng thực thi.

THAY ĐỔI TỪ CƠ QUAN QUẢN LÝ ĐẾN NGƯỜI MÔI GIỚI

Để chấm dứt tình trạng này VARS cho rằng, các kỳ thi sớm được tổ chức với chất lượng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường, Sở Xây dựng hoặc các cơ quan, đơn vị có chức năng tổ chức thi chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định trước đó, có thể tham mưu cho địa phương về chính sách, quy định liên quan đến tổ chức thi và cấp chứng chỉ.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ đảm bảo quá trình tổ chức thi diễn ra theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời giám sát chất lượng và tính minh bạch của các kỳ thi này.

Đặc biệt, hiện nay, việc giám sát hoạt động môi giới chưa được thực hiện chặt chẽ, dẫn đến tình trạng nhiều môi giới không quan trọng việc học và thi lấy chứng chỉ. Thậm chí dù có chứng chỉ nhưng vẫn thiếu kinh nghiệm thực tế, hoặc hành nghề không đúng tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp.

Do đó, VARS đề xuất, ngoài việc thi hành quy định cơ quan tiếp nhận và xử lý thông tin vi phạm. Nhà nước cần nâng cao công tác hậu kiểm sau khi cấp chứng chỉ. Và có các cơ chế giám sát hoạt động của môi giới nhằm đảm bảo họ tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật và chuẩn mực nghề nghiệp.

Ngoài ra, để nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch của thị trường và phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thị trường do hoạt động môi giới, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát của cả điều kiện cần - hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngành nghề.

Cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng và công khai danh sách các cơ sở đào tạo đủ điều kiện. Đảm bảo các cơ sở đào tạo phải được kiểm định chất lượng nghiêm ngặt và có quy trình đào tạo giảng viên đạt chuẩn. Và có các chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm những cá nhân hoặc đơn vị tổ chức đào tạo không đảm bảo chất lượng, không tuân thủ quy định.

Không chỉ các cơ quan quản lý, VARS nhấn mạnh, các cá nhân môi giới cần nhanh chóng cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng và tận dụng cơ hội mới trong thị trường.

Dành thời gian nắm vững và hiểu rõ các quy định pháp luật mới liên quan đến lĩnh vực bất động sản để áp dụng đúng. Nâng cao chuyên môn và kỹ năng, môi giới cần liên tục nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình, bao gồm việc cải thiện kỹ năng giao tiếp, đàm phán, và kiến thức về thị trường.

Đồng thời, môi giới bất động sản cần tham gia tích cực vào các hoạt động và sự kiện của ngành bất động sản thông qua các tổ chức xã hội nghề nghiệp để cập nhật thông tin cũng như xây dựng và duy trì các mối quan hệ trong ngành.

Cuối cùng, thay vì chỉ tập trung vào một loại hình hoặc khu vực bất động sản cụ thể, môi giới có thể tìm kiếm cơ hội mới trong các phân khúc thị trường khác nhau hoặc khu vực đang phát triển nhanh chóng.

Chia sẻ về vấn đề quản lý các đơn vị môi giới bất động sản, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho biết, hiện nay, chủ đầu tư họ vẫn giao các Công ty Cổ phần, Công ty TNHH có chức năng môi giới tư vấn thực hiện môi giới dự án và xuất hoá đơn bình thường.

z5051771952229-8a0b18bf341350c368f8063cafbed875-min-min-2977.jpg
Một lớp học môi giới bất động sản

Trong khi đó, các sàn giao dịch bất động sản được cấp phép hoạt động cũng có chức năng tương tự, nhưng lại bị giám sát chặt chẽ hơn về hoạt động bởi những báo cáo định kỳ 3 tháng, 6 tháng 1 lần.

Nếu không quy định chặt chẽ việc này, sẽ lặp lại câu chuyện cũ như giai đoạn 2013 đến nay là 10 công ty có chức năng tư vấn môi giới bất động sản, chỉ có 1 công ty là sàn giao dịch bất động sản được cấp phép, còn lại 9 công ty có chức năng môi giới.

“Bởi vì, nếu công ty nào cũng có chức năng tư vấn môi giới, chủ đầu tư đều tiếp nhận hết. Khi luật pháp không cấm thì họ không tự đeo gông vào cổ, phải thành lập sàn để vừa mất chi phí, vừa mất thời gian và bị quản lý chặt. Vậy nên, tôi nghĩ các nghị định, thông tư sau này của phía nhà nước phải xem xét kỹ vấn đề trên”, vị chủ doanh nghiệp bày tỏ.

Xem thêm

Điều tiết bất động sản bằng cách thắt chặt tín dụng?

Điều tiết bất động sản bằng cách thắt chặt tín dụng?

Điều tiết thị trường bất động sản bằng chính sách pháp luật về tín dụng là một trong những cách thức hữu hiệu, đảm bảo sự phát triển bền vững và ổn định của thị trường bất động sản, tránh những tác động gây bất ổn cho nền kinh tế…

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…